Giãn, giảm thuế để kích thích tăng trưởng

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 23/04/2023 12:34 GMT+7

VTV.vn - Chính sách giảm thuế có tác động kép, vừa kích thích tăng trưởng sản xuất và vừa ổn định kinh tế vĩ mô.

Kết quả tăng trưởng trong quý I sụt giảm, thấp hơn so với mục tiêu đề ra khiến lãnh đạo nhiều tỉnh, thành trên cả nước khẩn trương vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Đã có những địa chỉ chậm trễ giải ngân đầu tư công, cả ở trung ương và địa phương bị nêu tên, phê bình và đã có những cam kết cụ thể về các công trình ách tắc sẽ được cởi trói.

Có thể cảm nhận rõ bầu không khí khẩn trương, quyết liệt, quyết tâm đang lan tỏa từ người đứng đầu Chính phủ cho tới lãnh đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Đây là bầu không khí người dân và doanh nghiệp đang chờ đợi, cũng như kỳ vọng rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế đã bị kéo lại do khó khăn của tình hình kinh tế thế giới và một phần không nhỏ vì cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm.

Khơi thông các động lực cho tăng trưởng

Để khơi thông các động lực cho tăng trưởng, trước mắt cần tập trung giải ngân đầu tư công và giảm lãi suất đẩy dòng vốn vào sản xuất kinh doanh. Khi động lực đầu tư được khai thông sẽ giúp các dự án, công trình sôi động trở lại, tạo ra nhiều công ăn việc làm, đem lại thu nhập cho người lao động, từ đó thúc đẩy tiêu dùng.

Sáng kiến mới cho thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, theo góc nhìn của báo Nhân dân, chính là kiến nghị các địa phương thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng

Dư địa cho tăng trưởng cũng nằm ở giải pháp thúc đẩy tăng trưởng khối dịch vụ nông nghiệp để bù đắp cho khu vực sản xuất công nghiệp dự báo còn nhiều khó khăn.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay, những tháng còn lại phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Theo báo Đại Đoàn kết, một trong những giải pháp tốt nhất hiện nay là kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng.

Giãn, giảm thuế để kích thích tăng trưởng - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Kích cầu tiêu dùng, doanh nghiệp mới tiêu thụ được hàng, sản xuất sẽ được kích hoạt và kinh tế mới có thể phục hồi, tăng trưởng. Hiểu rõ điều này, trong đề xuất mới đây, Bộ Tài chính kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng năm 2023.

Giãn, giảm thuế để kích thích tăng trưởng

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.

Tờ Thời báo Ngân hàng dẫn lời Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc, bình luận: "Với gói giải pháp chính sách hỗ trợ về thuế đang được thiết kế có thể thấy Chính phủ đã nhận khó khăn, nhường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Với các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có thể sử dụng số tiền thuế được gia hạn phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Đây là dòng tiền quý giá trong bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp đối diện với nhiều khó khăn".

Chính sách gia hạn thời hạn nộp hàng loạt các khoản thuế, tiền thuê đất được thực hiện trong 3 năm, từ năm 2020 cho đến năm 2022, đã mang lại nhiều tác động tích cực đối với hoạt động kinh tế. Khoản tiền thuế và tiền thuê đất được chậm nộp này giống như một khoản vay ngắn hạn với lãi suất 0% của nhà nước dành cho doanh nghiệp.

Nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời, đủ liều lượng, đúng đối tượng, điều này đã giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi.

Đề xuất giảm thuế VAT kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất

Còn với đề xuất giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng xuống 8%, Bộ Tài chính dự báo ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu 35.000 tỷ đồng, theo báo Lao động.

Về cơ bản, giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, Bộ Tài chính, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Chí Long, cho rằng giảm thuế đầu vào sẽ kích thích sản xuất, đồng thời kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách giảm giá từ giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm lạm phát. Vòng quay tiêu dùng như thế sẽ tạo ra những đóng góp, tăng trưởng GDP và ngành thuế có nguồn thu, theo tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Điều này cũng có thể được hiểu là chính sách giảm thuế có tác động kép, vừa kích thích tăng trưởng sản xuất và vừa ổn định kinh tế vĩ mô.

Dưới góc nhìn lạc quan, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định trong bối cảnh khó khăn, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% được xem là chính sách tương đối công bằng giữa nhà nước, doanh nghiệp và công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau.

Về đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8%, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép xây dựng ban hành nghị quyết của Quốc hội theo thủ tục rút gọn; đồng thời xây dựng hồ sơ báo cáo Chính phủ trước ngày 25/4.

Việc sử dụng công cụ thuế để kích cầu tiêu dùng trong nước là cần thiết, trong đó hữu hiệu nhất là chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Khi giảm thuế, phí, doanh nghiệp sẽ có thêm dư địa để giữ hoặc giảm giá thành sản phẩm. Giảm thuế, phí, thu nhập thực tế của người dân cũng sẽ tăng thêm. Giá hàng hóa giảm, thu nhập tăng lên, họ mới nới tay chi tiêu mua sắm. Tổng cầu trong nền kinh tế sẽ tăng, kích theo tổng cung tăng lên, như vậy mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra trong năm nay là 6,5%.

Doanh nghiệp kỳ vọng được hỗ trợ thuế nhiều hơn Doanh nghiệp kỳ vọng được hỗ trợ thuế nhiều hơn

VTV.vn - Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành thêm các chính sách hỗ trợ thuế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước