Gian lận xuất xứ còn có tình trạng cán bộ địa phương "ngụy tạo" hồ sơ cho doanh nghiệp

Khánh Huyền - Quỳnh Anh-Thứ hai, ngày 27/07/2020 17:02 GMT+7

(Ảnh minh họa)

VTV.vn -Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp hàng hóa Việt Nam có thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhưng, vẫn còn nguy cơ hàng hóa bị "đội lốt" xuất xứ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết vẫn còn tình trạng doanh nghiệp có hợp đồng mua nguyên liệu của người dân. Nhưng sau khi xác minh, các hợp đồng này không có thực. 

"Cán bộ xã đã tạo lập hồ sơ, ký hộ người dân, sau đó hồ sơ này lại được chính quyền địa phương xác nhận là đúng", ông Hùng Anh chia sẻ. 

Phóng viên VTV Digital đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan về vấn đề này. 

Gian lận xuất xứ còn có tình trạng cán bộ địa phương ngụy tạo hồ sơ cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan.

PV: Vừa qua, Tổng cục Hải quan đã phát hiện 280 vụ việc giấy chứng nhận xuất xứ (C/0) không đủ tiêu chuẩn và kiến nghị thu hồi hàng trăm C/O, ông có thể nói rõ hơn về các vụ việc này?

Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan: Trong quá trình đấu tranh chống gian lận xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, thời gian gần đây cơ quan Hải quan đã thực hiện kiểm tra, xác minh 76 vụ việc, phát hiện 29 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ.  

Từ đó, đã kiến nghị Bộ Công thương, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt nam thu hồi hàng trăm C/O không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa, để được công nhận hàng hóa có xuất xứ Việt Nam của 9 doanh nghiệp. Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp này được cấp C/O thật, nhưng sản phẩm hàng hóa được cấp C/O "Made in Việt Nam"  lại có dấu hiệu gian dối. 

Các doanh nghiệp đã bị phát hiện đi thu mua gom nguyên liệu, linh kiện từ nhiều nơi, trong đó có cả từ nước ngoài, không đủ hàm lượng gắn mác "Made in Việt Nam", nhưng vẫn được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.

PV: Những C/O không đủ tiêu chuẩn trên chủ yếu trong những lĩnh vực gì?

Ông Nguyễn Hùng Anh: Những vi phạm liên quan đến việc cấp C/O không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa để được công nhận xuất xứ Việt Nam, cơ quan Hải quan phát hiện thời gian vừa qua chủ yếu liên quan đến một số nhóm hàng, ngành hàng như: xe đạp; pin năng lượng mặt trời; đồ gỗ nội thất; tơ tằm;  thủy sản…..

Gian lận xuất xứ còn có tình trạng cán bộ địa phương ngụy tạo hồ sơ cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Nguyên liệu thuỷ sản là mặt hàng dễ bị gian lận xuất xứ.

PV: Chiêu thức  hợp thức hóa hồ sơ để được cấp C/0 của các doanh nghiệp trên?

Ông Nguyễn Hùng Anh: Gần đây nhất, Cục Điều tra chống buôn lậu đang tổ chức xác minh đối với 1 công ty có địa chỉ ở Bắc Giang. 

Trong thời gian từ đầu năm 2017 đến hết tháng 10/2019, công ty này đã xuất khẩu gần 24.000 m3 gỗ dán đi Hoa Kỳ, trị giá trên 200 tỷ đồng. Công ty có đề nghị cấp C/O Form B tại Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho 22 lô hàng xuất khẩu.

Trong đó, công ty khai báo nguyên liệu sản xuất ván ép được thu mua từ một số hộ dân (chủ rừng) tại một số tỉnh. Việc thu mua có các bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ và hợp đồng mua bán gỗ. Tuy nhiên, qua kết quả xác minh ,việc khai thác và mua bán gỗ nguyên liệu của các hộ dân tại địa bàn các xã với Công ty trên cho thấy một số dấu hiệu vi phạm như việc hợp đồng mua gỗ nguyên liệu giữa công ty với một số hộ dân (chủ rừng) không có thực. 

Gian lận xuất xứ còn có tình trạng cán bộ địa phương ngụy tạo hồ sơ cho doanh nghiệp - Ảnh 3.

Ngoài ra, nguyên liệu gỗ cũng dễ bị gian lận xuất xứ.

Công ty đã sử dụng các hợp đồng mua bán này để hợp thức hóa đầu vào trong hồ sơ xin cấp C/O cho một số lô hàng ván ép xuất khẩu đi Hoa Kỳ. Ủy ban nhân dân xã có dấu hiệu thực hiện chưa đúng các quy định trong quản lý xác nhận nguồn gốc lâm sản, để xảy ra trường hợp cán bộ lâm nghiệp xã tạo lập và ký hộ tên người dân trong các đơn đề nghị cấp phép khai thác. Một số hồ sơ có số liệu khai thác sai lệch với thực tế khai thác của hộ dân.

PV: Kiến nghị của cơ quan Hải quan để việc cấp C/0 trong thời gian tới được đảm bảo?

Ông Nguyễn Hùng Anh: Để đảm bảo ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận xuất xứ Việt Nam trong bối cảnh Việt nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước vùng lãnh thổ, nhằm đảm bảo thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, kịp thời chống các hành vi gian lận thương mại và ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ kiến nghị một số giải pháp, cụ thể: 

- Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng xác nhận khống nguyên liệu đầu vào cấu thành sản phẩm xuất khẩu nhằm ngăn chặn việc gian lận xuất xứ. Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra sản xuất hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá, nguyên liệu, bán thành phẩm về sản xuất thành phẩm để xuất khẩu.

- Kiến nghị với Bộ Công thương, VCCI:  Bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định hướng dẫn về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu. Ngoài ra, cần siết chặt công tác quản lý cấp giấy chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP. Cần đánh giá rủi ro, tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh cơ sở sản xuất của doanh nghiệp khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ trước khi cấp giấy chứng nhận xuất xứ. Ngoài ra, tập huấn, hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp và khuyến nghị doanh nghiệp phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh gây ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước