Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ lừa đảo đầu tư tiền ảo lớn thông qua các sàn giao dịch tiền ảo dưới hình thức đa cấp đã xảy ra. Tình trạng này xảy ra từ nhiều năm qua nhưng không thể xử lý triệt để do còn thiếu các quy định pháp lý về điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo. Đồng thời, cũng chưa có quy định cơ quan nhà nước quản lý lĩnh vực này. Thực tế này đặt ra đòi hỏi phải nhanh chóng xây dựng hệ thống pháp lý về tiền ảo.
Bộ Tài chính vừa thành lập tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo để thiết kế chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ này. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là đơn vị được Bộ giao chủ trì.
Tổ nghiên cứu cũng đang thực hiện đề tài "Xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý tài sản mã hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam" nhằm đưa ra những đề xuất ban đầu về quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa trên thị trường.
Thực tế đòi hỏi phải nhanh chóng xây dựng hệ thống pháp lý về tiền ảo. Ảnh: VGP
Ông Nguyễn Quang Thương - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: "Quyết định chính sách đối với tiền ảo, tài sản ảo không dễ dàng. Tại sao lại không dễ dàng? Đó là bởi các lợi ích tiềm năng của tiền ảo, tài sản ảo mang lại rất lớn nhưng những rủi ro liên quan cũng rất đáng kể.
Vì vậy, chúng tôi sẽ nghiên cứu đầy đủ thấu đáo trong lĩnh vực chứng khoán từ việc phát hành đăng ký, lưu ký, giao dịch, đăng ký giao dịch... Từ những điều kiện cần thiết để triển khai chính sách, chúng ta đề xuất ra thời điểm cũng như lộ trình triển khai cụ thể".
Theo các chuyên gia pháp lý, cần có định nghĩa rõ ràng, cụ thể về tiền ảo để xác định phạm vi đối tượng tiền ảo được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam. Chỉ khi tiền ảo được công nhận là một loại tài sản các cơ quan chức năng mới có cơ sở pháp lý để quản lý tốt hơn và đấu tranh có hiệu quả chống lại các hành vi trái pháp luật trong sử dụng tiền ảo.
"Trước hết Nhà nước phải thừa nhận tiền ảo như một loại tài sản đặc biệt và giao dịch thuộc loại có điều kiện. Từ đó mới có cơ sở để thực hiện những bước tiếp theo trong việc hoàn thiện khung pháp lý đối với việc điều chỉnh giao dịch cũng như đầu tư vào tiền ảo", Luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội nói.
Một điểm giao dịch Bitcoin tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Dân trí)
Ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay: "Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ TT&TT và những Bộ ngành có liên quan sớm nghiên cứu tình hình thế giới, trong nước và thực tiễn sẽ xảy ra trong thời gian tới để tổng kết đánh giá và đề xuất Chính phủ, Quốc hội sớm ban hành một hệ thống hành lang pháp lý để chúng ta quản lý được đồng tiền mã hóa này.
Bởi chúng ta không có hành lang pháp lý chúng ta không thống nhất được ngay từ nhận thức về các công cụ để quản lý. Trong tương lai đây là xu thế tất yếu, người ta sử dụng đồng tiền mã hóa này trong mọi hình thức hoạt động thanh toán toàn cầu".
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nên cho phép thành lập các sàn giao dịch tiền ảo và phát hành tiền ảo ra công chúng. Có vậy Nhà nước mới kiểm soát được các giao dịch về tiền ảo vừa thu được thuế vừa hạn chế tình trạng lừa đảo qua hình thức kinh doanh đa cấp như thời gian qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!