Giới công nghệ Mỹ trước thách thức chưa từng có

VTV Digital-Thứ năm, ngày 17/11/2022 10:19 GMT+7

VTV.vn - Công nghệ - lĩnh vực vốn được xem là đầu tàu của thị trường Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức từ cổ phiếu giảm, báo cáo gây thất vọng hay làn sóng cắt giảm nhân sự...

Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng ông lớn thương mại điện tử Amazon đã nối bước Twitter và Meta, trở thành hãng công nghệ lớn tiếp theo tại Mỹ công bố cắt giảm nhân sự quy mô lớn với khoảng 10.000 người sẽ phải ra đi, bắt đầu từ tuần này.

Ông Dan Ives - Giám đốc điều hành, Công ty chứng khoán Wedbush cho hay: "Đây là một đợt sa thải lớn với Amazon, dù không chiếm tỷ lệ đáng kể trên đội ngũ nhân sự toàn cầu của họ nhưng khi nhìn vào các bộ phận bị cắt giảm nhân sự sẽ thấy đây là những lĩnh vực đang gặp thách thức lớn thời gian qua và thu hẹp là khó tránh khỏi".

Làn sóng sa thải cũng chỉ là phần mới nhất trong những khó khăn liên tục xảy ra với các ông lớn công nghệ Mỹ từ đầu năm. Amazon lẫn Microsoft đều báo cáo doanh thu quý kém lạc quan, lợi nhuận Google giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Hay cổ phiếu Meta lao dốc gần 1/4 chỉ trong một phiên sau những dự báo kém lạc quan về tình hình quảng cáo - vốn chiếm tới hơn 90% nguồn thu của hãng.

Giới công nghệ Mỹ trước thách thức chưa từng có - Ảnh 1.

Nhiều hãng công nghệ lớn tại Mỹ công bố cắt giảm nhân sự quy mô lớn. Ảnh minh họa - Ảnh: Marketwatch.

Những khó khăn trên đều đã phản ánh vào giao dịch cổ phiếu, khi vốn hóa của các tên tuổi lớn đã mất hàng trăm tỷ USD trong năm nay. Chịu ảnh hưởng ít nhất như Apple cũng đã giảm hơn 500 tỷ USD kể từ đầu năm.

"Tôi nghĩ rằng đây đúng là một thời kỳ đen tối với giới công nghệ, từ Amazon, Apple, Microsoft và cả những cái tên khác. Thời kỳ "siêu tăng trưởng" đã qua, giờ là lúc để tái cơ cấu chi phí khi mà tốc độ phát triển đã chậm lại", ông Dan Ives nói.

Cũng như các doanh nghiệp khác tại Mỹ, giới công nghệ cũng chịu tác động không nhỏ từ lạm phát và các đợt nâng lãi suất của Fed. Đồng thời, một yếu tố khác được các chuyên gia chỉ ra đó là những ông lớn này vẫn chưa thể giảm sự phụ thuộc vào một nguồn thu lớn như là quảng cáo với Meta hay iPhone, Apple và do đó cũng nhạy cảm hơn với những biến động trên thị trường.

Cuộc đua khốc liệt ngành chip

Rõ ràng áp lực lên nhóm ngành công nghệ là rất lớn trong bối cảnh kinh tế được dự báo đối mặt với nhiều khó khăn sắp tới. Do vậy, việc tối đa hóa chi phí sản xuất và tìm kiếm công nghệ mới là nhiệm vụ được nhiều ông lớn công nghệ đặt ra.

Ví dụ những con chip nhỏ bé nhưng lại đang đóng một vai trò ngày càng quan trong với thế giới. Thiếu nó những chiếc xe không thể vận hành, mọi người sẽ không có máy tính để làm việc, không có smartphone để lướt web hay là liên lạc với nhau. Vì vậy, cuộc đua chip bán dẫn đang ngày càng nóng trên toàn cầu. Không có khu vực nào, quốc gia nào hay tập đoàn công nghệ nào lại có thể ngồi yên trong bối cảnh hiện tại.

Những bộ vi xử lý hay còn gọi là con chip rõ ràng là đóng vai trò vô cùng quan trọng trong kỷ nguyên số. Các hãng công nghệ liên tục công bố những con chip mới có hiệu năng ngày càng cao và mở rộng phạm vi sản phẩm. Chẳng hạn tại hội nghị cấp cao về chip bán dẫn Snapdragon Summit 2022 ở Hawaii, Mỹ thì Qualcomm giới thiệu Snapdragon 8 thế hệ 2.

Nếu như trước đây, Qualcomm chủ yếu tập trung vào mảng kết nối và vi xử di động thì giờ họ đã nhắm cả tới mảng máy tính xách tay và thậm chí là máy tính cá nhân. Hãng này cho biết họ và Microsoft tiếp tục kết hợp để cải thiện hiệu năng các thiết bị xách tay sử dụng Windows 11 dựa trên con chip SQ3 với lõi Snapdragon.

Apple cũng rõ ràng là đã khá thành công với loạt chip serie M trên các máy tính cá nhân và vì thế Qualcomm, Microsoft rõ ràng không muốn bị bỏ lại.

Giới công nghệ Mỹ trước thách thức chưa từng có - Ảnh 2.

Cuộc đua chip bán dẫn đang ngày càng nóng trên toàn cầu. Ảnh minh họa.

Nhưng trong cuộc đua này không chỉ có các công ty Mỹ mà họ sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều tên tuổi lớn khác đến từ châu Á. Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Ấn Độ đều đang đầu tư lớn cho sản xuất chip bán dẫn.

Ấn Độ đã đầu tư khoảng 9,6 tỷ USD. Nhật Bản dự kiến xây nhà máy tại Kumamoto trị giá 8,6 tỷ USD. Trong khi đó, các công ty nổi tiếng nhất của Mỹ như Qualcomm, Apple hay NVidia về cơ bản đều theo hình mẫu Fabless tức là không có nhà máy. Dù thị phần của họ là hơn 47% nhưng chỉ có 12% là sản xuất tại Mỹ. Vì vậy, nước này đã phải ban hành dự luật CHIP & SCIENCE - Chip và khoa học công nghệ với khoản tín dụng 24 tỷ USD và trong 10 năm tiếp theo là 200 tỷ USD để nâng cao sức cạnh tranh.

Một nhà máy chip 20 tỷ USD dự kiến được xây ngay tại New York. Intel cho biết hãng đã đạt thoả thuận sản xuất chip cho Qualcomm. Mặc dù vậy, theo ghi nhận từ Snapdragon Summit thì các con chip mới công bố vẫn sẽ tiếp tục được gia công tại các công ty châu Á.

Cục diện của cuộc đua khá là khó đoán nhưng với sự đầu tư mạnh mẽ trên toàn cầu thì nhiều chuyên gia đánh giá khủng hoảng chip toàn cầu có thể sẽ được giải quyết vào năm sau.

Các hãng công nghệ lớn tại Mỹ ồ ạt sa thải nhân viên Các hãng công nghệ lớn tại Mỹ ồ ạt sa thải nhân viên

VTV.vn - Một loạt các ông lớn ngành công nghệ như Meta, Twitter, Amazon hay Microsoft vừa công bố kế hoạch sa thải lượng lớn nhân viên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước