Dù có tăng, có giảm đan xen nhưng xu hướng chủ đạo là nhích nhẹ từ 0,1 - 0,25%/năm, rải đều ở tất cả các kỳ hạn. Hiện trên thị trường, với các ngân hàng cùng một phân khúc, lãi suất tiền gửi hiện tương đối đồng đều. Nhưng lại có sự phân hóa đáng kể với mức chênh lệch từ 1% tới 2 - 3% giữa nhóm ngân hàng thương mại cổ phần top đầu với các ngân hàng quy mô nhỏ, tại cùng một kỳ hạn. Trong đó, lãi suất huy động cao nhất đang rơi vào kỳ hạn 12 và 18 tháng, ở mức 6 và trên 6%/năm.
Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng bắt đầu nhích nhẹ từ giữa năm ngoái và đà điều chỉnh lan rộng hơn ra khắp các kỳ hạn khi nhu cầu tín dụng tăng do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng trong tháng cuối năm 2024, đầu 2025 khi Tết Nguyên đán cận kề.
Bên cạnh đó, việc tỷ giá USD - đồng neo ở mức cao từ cuối tháng 10 năm ngoái, quanh ngưỡng 25.400 đồng/USD do đồng USD mạnh lên cũng gây áp lực nhất định lên mặt bằng lãi suất.
Theo các chuyên gia phân tích, lãi suất huy động bình quân có thể tăng thêm 0,5% trong năm 2025, từ mức hiện tại quanh 5,2% lên khoảng 5,7%, nếu không có biến động quá bất thường. Đây được đánh giá là mức tăng vừa phải, chỉ ngang mặt bằng trước giai đoạn COVID-19 và trước mắt không ảnh hưởng nhiều tới lãi suất cho vay.
Biên lãi ròng của các ngân hàng có thể giảm thêm 0,1 - 0,15% trong nửa đầu năm sau khi đã giảm trung bình 0,2 - 0,25% trong cả năm 2024, giúp duy trì mặt bằng lãi suất cho vay đi ngang, làm tăng khả năng thẩm thấu vốn, hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế năm 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!