Máy bay của hãng hàng không Spirit Airlines tại Sân bay Quốc tế Orlando, Mỹ. (Nguồn: Getty Images).
Trong thông cáo vừa được đưa ra, Frontier và Spirit - hai trong số những tên tuổi hàng đầu của ngành hàng không giá rẻ tại Mỹ sẽ sáp nhập thành một đơn vị duy nhất, với thương hiệu mới chưa được tiết lộ. Để thực hiện thương vụ, Frontier sẽ phải bỏ ra 2,9 tỷ USD và tổng giá trị của công ty hợp nhất sẽ là gần 7 tỷ USD.
"Cả Spirit và Frontier đều kỳ vọng, việc hợp nhất sẽ đem lại cho họ nhiều cơ hội cạnh tranh trên thị trường bởi doanh nghiệp mới sẽ có hoạt động rộng khắp trên toàn nước Mỹ, cũng như mở rộng đến khu vực Mỹ Latin và Caribbean", ông Henry Harteveldt - Chủ tịch hãng nghiên cứu Atmosphere nói.
Trong giai đoạn dịch bệnh lan rộng tại Mỹ, các hãng hàng không giá rẻ đã tận dụng cơ hội từ khó khăn của các ông lớn để tăng trưởng ấn tượng. Chỉ riêng 3 hãng hàng không giá rẻ hàng đầu đã tăng trưởng thị phần tới 10% trong năm ngoái.
Nhưng khi các hạn chế phòng dịch được nới lỏng, việc mở rộng quy mô được xem là cần thiết để duy trì sức cạnh tranh, trong bối cảnh các hãng hàng không lớn như American hay United Airlines đang phục hồi và mở rộng trở lại.
Ông Henry Harteveldt cho hay: "Với xu thế này, hành khách sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất, bởi giới hàng không giá rẻ sẽ nỗ lực mở rộng đường bay, phục vụ nhiều thành phố nhỏ chứ không chỉ các đô thị lớn. Ngược lại, các ông lớn cũng phải giảm giá vé, tăng khuyến mại để giữ vị thế của mình".
Bên cạnh M&A, giới hàng không giá rẻ cũng đang tìm các nguồn vốn đầu tư mới. Chẳng hạn, 2 vụ IPO của lĩnh vực này trong năm ngoái đã thu về hơn 800 triệu USD, hay Avelo - hãng bay mới nhất được cấp phép tại Mỹ đã gọi vốn thành công khoảng 160 triệu USD trong vòng 9 tháng qua.
Hàng không giá rẻ "hồi sinh" VTV.vn - Động lực chủ yếu của các hãng bay giá rẻ đến từ việc các chặng bay ngắn dần trở thành sự lựa chọn hấp dẫn đối với người tiêu dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!