Giới trẻ Mỹ thay đổi thói quen chi tiêu vì lạm phát

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 01/06/2024 12:12 GMT+7

VTV.vn - Theo khảo sát của CNBC, có tới 54% giới trẻ Mỹ cho biết là lạm phát lương thực là yếu tố lớn nhất tác động đến chất lượng cuộc sống hiện nay.

Giới trẻ có lẽ là tầng lớp chịu ảnh hưởng lớn nhất trong thời buổi lạm phát cao ở Mỹ, bởi nền tảng tài chính chưa vững chắc và có nhiều khoản nợ. Theo khảo sát của CNBC, có tới 54% giới trẻ Mỹ cho biết là lạm phát lương thực là yếu tố lớn nhất tác động đến chất lượng cuộc sống hiện nay.

Lạm phát cao kéo dài kể từ giữa năm 2021 đến nay đã buộc giới trẻ phải thay đổi thói quen chi tiêu. Theo cuộc khảo sát của Bank of America, có tới 73% thế hệ Gen Z, tức là những người sinh từ năm 1997 đến 2012, phải thay đổi thói quen chi tiêu, theo đó họ sẽ ăn ở nhà nhiều hơn là đi ăn hàng quán, chi tiêu ít hơn cho quần áo và chỉ mua sắm các thực phẩm cần thiết.

Chi tiêu tiết kiệm không còn là các hành vi cá nhân, mà còn được giới trẻ Mỹ đưa lên các trang mạng xã hội và tạo thành các xu hướng nhằm tạo động lực cho những người cùng thế hệ của mình từ bỏ thói quen mua sắm bừa bãi để chuyển sang lối sống thiết thực hơn, tập trung vào các nhu cầu thực sự cần thiết.

Chị Elysia - một giám đốc sáng tạo sống ở Brooklyn vài năm qua đã không mua quần áo hàng hiệu. Chị đã quyết định thay đổi mạnh mẽ thói quen chi tiêu mua sắm của mình.

Chị Elysia Berman cho biết: "Bước ngoặt là khi tôi nhận ra mình đã phải gánh chịu khoản nợ thẻ tín dụng lên đến 5 con số trong suốt 10 năm qua. Tôi thực sự chán ngấy việc liên tục rơi vào vòng luẩn quẩn mua hàng, trả nợ, mua hàng rồi lại trả nợ. Tôi muốn kiểm soát việc chi tiêu của mình".

Để làm được điều này, chị Elysia đã quyết định tham gia một thử thách đang nổi trên mạng xã hội tại Mỹ, có tên gọi "Cả năm không mua sắm" hay "Thử thách không tiêu tiền". Các quy tắc tự đặt ra rất đơn giản: người tham gia cam kết ngừng mua những mặt hàng không thực sự cần thiết, từ giầy dép, quần áo cho đến sản phẩm làm đẹp, trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 12 tháng. Bên cạnh đó là hạn chế chi phí cho các hoạt động vui chơi, giải trí ở mức thấp.

Chị Elysia Berman tâm sự thêm: "Những khoản chi tiêu lớn nhất của tôi trước khi bắt đầu tham gia thử thách chắc chắn là quần áo và đồ trang điểm. Tôi có một tủ chứa đầy quần áo. Việc mua sắm như vậy thực sự là quá mức cần thiết".

Chị Elysia cũng không ngần ngại thảo luận về những khó khăn tài chính của mình với bạn bè, gia đình và cả trên mạng xã hội, nơi có nhiều người giống như chị. Trên mạng xã hội Reddit thậm chí còn có cả một cộng đồng với 51.000 thành viên, chuyên chia sẻ về các kinh nghiệm giảm mua sắm bất hợp lý, hay cách tiết kiệm tiền hiệu quả.

Theo chị Elysia Berman, "rất nhiều người cũng có những trải nghiệm giống như tôi, vì vậy việc tôi chia sẻ về những gì mình đang làm rất có lợi, không chỉ cho tôi, mà còn giúp ích cho người khác, để họ vượt qua được giai đoạn khó khăn".

Việc tiết kiệm, chi tiêu hợp lý hơn, đang giúp những người trẻ như chị Elysia dần cắt giảm các khoản nợ, có thêm tiền để sử dụng vào những mục đích thiết thực, hoặc tiến hành đầu tư. Mặc dù thử thách dự kiến kéo dài trong một năm, nhưng nhiều người hiện đang cố gắng duy trì thói quen chi tiêu tiết kiệm trong khoảng thời gian dài hơn thế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước