Ảnh minh họa. (Ảnh: Getty)
Ngày Black Friday diễn ra vào thứ 6 ngay sau
Lễ Tạ Ơn (Lễ Tạ Ơn là thứ 5 thứ tư của tháng 11) và được coi là ngày mở
hàng cho mùa mua sắm tấp nập nhất ở Mỹ.
Trong ngày Black Friday, hầu như tất cả
các mặt hàng đều giảm giá trung bình từ 10% - 30%. Từ những thương hiệu bình
dân đến những thương hiệu nổi tiếng… đều đưa ra mức giảm giá đến không ngờ.
Trong khi người tiêu dùng mua được những món đồ mình yêu thích với giá chỉ bằng
1/3 thậm chí chưa bằng một nửa so với ngày thường, các doanh nghiệp lại có dịp ăn nên
làm ra, giải phóng hàng hóa dịp cuối năm.
Những hàng người dài xếp hàng trước
các siêu thị hay các trung tâm mua sắm lớn từ đêm thứ 5, hay chen lấn xô đẩy,
tranh giành hàng hoá không còn là cảnh
xa lạ. Theo các chuyên gia, nhu cầu mua sắm tăng cao giúp nền kinh tế được kích
cầu và đem lại cơ hội làm ăn tốt cho các doanh nghiệp.
Đặt hàng từ Mỹ, ăn theo Black Friday
Ăn theo ngày Black
Friday, vài năm trở lại đây, trào lưu săn hàng hiệu trong dịp siêu khuyến mại tại
Mỹ cũng nở rộ ơ Việt Nam. Từ trước sự kiện khoảng 1 tuần, các dịch vụ chuyên
nhận đặt hàng từ Mỹ về đã hoạt động hết sức sôi nổi. Không chỉ các trang web
chuyên nghiệp, các cá nhân hay một nhóm nhận đặt hàng từ các trang web của Mỹ,
trao đổi với khách hàng chủ yếu qua Facebook cũng rất vào mùa nhộn nhịp các đơn
hàng.
Bảo Châu, một bạn
trẻ chuyên nhận đăt hàng và chuyển hàng từ Mỹ về cho biết, Black Friday là ngày
cao điểm nhưng trước đó khoảng 1 tuần, các hãng đã bắt đầu giảm giá. Hầu hết
các hãng đều giảm từ 20-30%, cá biệt có nhiều hãng giảm 50-75% trên chính những
sản phẩm đang bán trên web, nên các tín đồ hàng hiệu vô cùng phấn khích.
"Vào dịp này, số lượng
đơn đặt hàng thường tăng gấp đôi. Các bạn trẻ Việt Nam đặt nhiều nhất là các mặt
hàng thời trang từ quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ… với mức giá rất hấp dẫn.
Ví dụ, các mẫu giày của các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Puma, New Balance... đều được giảm ở mức 20%", Bảo Châu cho biết.
Để giúp khách hàng
đặt đồ, Bảo Châu cho biết, vào giờ cao điểm, việc thức cả đêm để đặt hàng
online là chuyện bình thường. Vì nếu không nhanh, các mẫu hàng giảm giá đều hết
rất nhanh hoặc không còn cỡ phù hợp với yêu cầu của người mua hàng.
Quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ… là các mặt hàng được nhiều bạn trẻ Việt đặt mua trong ngày Black Friday (Ảnh: Shutterstock)
Các dịch vụ đặt
hàng nhỏ hoạt động chủ yếu trên Facebook thường "gom" các đơn hàng theo các
thương hiệu, để hưởng thêm các khuyến mãi khi mua với số lượng lớn. Vì thế, người
dùng cũng được hưởng lợi khi giá có thể rẻ hơn nữa.
Với các trang web
chuyên nghiệp, chuyên nhận đặt hàng, chuyển hàng từ Mỹ, Black Friday cũng là dịp
vô cùng nhộn nhịp. "Ngày thứ 6 đen tối" là dịp các dịch vụ bán hàng online như
Amazon, Ebay… tung ra những gói khuyến mãi khủng nên, người dùng thường tranh
thủ đặt mua.
Thay vì các mặt
hàng thời trang, các trang web này thường nhận các đơn đặt hàng các đồ điện tử
như điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ… với giá trị khá lớn. Yêu cầu báo giá và
đặt hàng trên các trang web này thường xuyên được cập nhật.
Theo đại diện của
các dịch vụ này, sau khi đặt online, hàng hóa sẽ được chuyển về Việt Nam thông
thường khoảng mất 2-3 tuần. Với dịp Black Friday, nhu cầu vận chuyển nhiều nên
có thể sẽ chậm hơn bình thường. Có những mặt hàng có thể 1 tháng mới về tới Việt
Nam.
Đặt hàng từ Mỹ, cân nhắc mức phí để tránh rẻ mà… không rẻ
Theo bảng phí được
đăng tải trên một trang web chuyên nhận đặt hàng từ Amazon và Mỹ về Việt Nam,
giá một sản phẩm về Việt Nam = Giá mua hàng tại web + phí dịch vụ + phí chuyển
hàng từ Mỹ về Việt Nam.
Trong đó, giá mua tại
web sẽ có thể bao gồm các phí vận chuyển trong nội địa Mỹ hoặc thuế. Phí dịch vụ
được tính khoảng 6% - 8% giá sản phẩm. Trong khi đó phí vận chuyển về Việt Nam cũng không hề
rẻ. Ví dụ giày dép, ví, túi xách… được vận chuyển giá với 10 USD/kg; mỹ phẩm, sữa
tắm, kem dưỡng da 13 USD/kg; nước hoa 14 USD/kg; đồng hồ đeo tay, kính, trang sức,
tai nghe có giá trên 150 USD là 14USD/chiếc...
Khi cộng tất các
các chi phí này, nhiều món hàng dù được giảm giá, khi tới tay người dùng tại Việt
Nam đã không còn rẻ nữa.
Thường xuyên đặt đồ
từ nước ngoài chuyển về, Thu Phương (một sinh viên tại Hà Nội) cho biết, ưu điểm lớn nhất của việc mua
hàng kiểu này là các sản phẩm đúng hãng giữa thị trường ngập tràn hàng nhái như
hiện nay. "Ví dụ một đôi giày, trên web giảm giá chỉ vào khoảng 20 USD (tương
đương hơn 400.000 VNĐ), nhưng cộng các chi phí, tới tay em là khoảng hơn
600.000 VNĐ. Cũng không hẳn là rẻ nhưng đây là hàng thật", Phương cho biết.
Black Friday năm 2015 đã thu hút 103 triệu người Mỹ tới các cửa hàng mua sắm và khoảng 102 triệu người mua đồ online (Ảnh: Digital Spy)
Bên cạnh đó, việc
mua online cũng có rủi ro là người dùng có thể không vừa cỡ hoặc khi mặc lên
không được đẹp như ảnh trên chụp trên web, nhất là với những mặt hàng thời
trang như quần áo, giày dép. Khi đó, người mua chỉ biết ngậm ngùi không dùng hoặc
bán lại rẻ hơn vì không có cơ hội đổi lại.
Tuy nhiên, theo Thu
Phương, mức giảm giá sâu như dịp Black Friday vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt với
tín đồ hàng hiệu.
"Với những người
mua quen, đặt hàng nhiều lần, rủi ro sẽ giảm đi. Hơn nữa, do giảm giá nhiều, kể
cả cộng các phí, giới trẻ vẫn được dùng hàng hiệu giá rẻ hơn thường ngày. Vì thế,
việc săn hàng vẫn đang rất sôi nổi", Thu Phương cho biết.
Theo thống kê của kênh truyền hình CNBC, vào ngày Black Friday năm 2015 đã thu hút 103 triệu người Mỹ tới các cửa hàng mua sắm và khoảng 102 triệu người mua đồ online. Chi tiêu trung bình của một người trong dịp này là 300 USD và hầu hết người mua hàng đều dưới 35 tuổi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!