Từ nay đến năm 2030 phải hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Đây là nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì triển khai, theo đó hướng đến mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp. Làm thế nào để thực hiện nhiệm vụ này? Đây là nội dung của cuộc tọa đàm diễn ra chiều nay (19/10) tại Hà Nội do Bộ Xây dựng tổ chức.
Ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương cùng thực hiện đề án. Đồng thời sau khi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vốn ưu đãi được bố trí để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhiều điểm nghẽn cũng đã được tháo gỡ.
"Về phía Bộ Xây dựng, chúng tôi chỉ quy định điều kiện là các dự án này đã được cấp phép xây dựng, tức là chúng ta đã có chủ đầu tư, có khối lượng để giải ngân thì đủ điều kiện để được vay. Ngoài ra các chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện khác liên quan đến việc bảo toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước", ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Tuy nhiên thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, việc tiếp cận gói tín dụng ưu đãi để triển khai phân khúc nhà ở này chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư.
"Điều kiện, thủ tục để được vay nhà ở xã hội lại không đơn giản, đặc biệt việc phát triển nhà ở xã hội cũng không ngoại lệ so với nhà ở thương mại, muốn tiếp cận vốn vẫn phải có các tài sản khác để thế chấp, như vậy rõ ràng đây là việc sẽ làm đắn đo các chủ đầu tư", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định.
Đến nay, cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 181 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 94.000 căn hộ, đã cấp phép và đang triển khai xây dựng 110 dự án với quy mô hơn 100.000 căn. Để đạt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, việc rà soát điểm nghẽn về quy hoạch, trình tự thủ tục đầu tư, bố trí nguồn vốn ưu đãi… là những rào cản cần tiếp tục được tháo gỡ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!