Gỡ nút thắt giúp "chiếc áo khoác" ngành năng lượng bớt chật chội

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 23/07/2020 06:33 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng Mặt trời. Nhưng hệ thống truyền tải đang không đủ để đáp ứng cho sự phát triển nóng thời gian qua.

Ngày 22/7, Diễn đàn Cấp cao về Năng lượng Việt Nam đã được tổ chức. Rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp đang đổ dòng vốn lớn vào lĩnh vực này đã ngồi lại với nhau. Trong những chuyên đề của diễn đàn thì năng lượng tái tạo, điện Mặt trời là một chủ đề được quan tâm trong Chiến lược phát triển Năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong 4 tháng đầu năm nay, sản lượng điện từ năng lượng Mặt trời chiếm khoảng 3,2 tỷ kwh điện, tương đương với sản lượng trong một năm của một nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất 500 - 600 MW.

Điều này đã đáp ứng rất tốt nhu cầu điện của Việt Nam, đặc biệt là miền Nam. Tiết kiệm được một lượng dầu khí, qua đó giảm thiểu được chi phí vận chuyển điện, cũng như giảm thiểu được tác động về môi trường.

Cả nước đã có gần 5.000 MegaWatt điện mặt trời được hoàn tất và đưa vào vận hành. Tuy nhiên, con số này đã gấp tới 6 lần mục tiêu ban đầu cho năm 2020 dẫn tới quá tải hệ thống truyền tải.

Nguy cơ qua tải lưới điện do ồ ạt đầu tư điện Mặt trời

Chưa đầy 1 năm nhưng tại huyện miền núi Sơn Hòa và Sông Hinh, tỉnh Phú Yên có rất nhiều dự án điện Mặt trời được lắp đặt. Từ đầu năm đến nay, tại 2 huyện này có 62 khách hàng đăng ký đầu tư điện Mặt trời với tổng công suất 61,38MWp. Trong đó, có 34 khách hàng đã ký thỏa thuận với tổng công suất 33,64, còn lại 28 khách hàng đăng ký với công suất 28,19 MWp nhưng không còn khả năng đấu nối do trạm biến áp 110KV Sơn Hòa đang bị quá tải.

Với chính sách khuyến khích về mức giá, thủ tục đơn giản nên nhiều người dân, doanh nghiệp đổ xô đầu tư lắp điện Mặt trời áp mái. Năm nay, Tổng Công ty Điện lực miền Trung giao điện lực Phú Yên phát triển 15MWp điện Mặt trời áp mái nhưng chỉ riêng trong các tháng đầu năm 2020, các nhà đầu tư đã đăng ký đấu nối phát điện lên lưới điện tỉnh Phú Yên với tổng cộng hơn 81MWp. Chính điều này đã làm 18 xuất tuyến các đường dây, trạm biến áp hết công duất đấu nối. Về lâu dài cần có sự đầu tư nhiều hạng mục khác.

Gỡ nút thắt giúp chiếc áo khoác ngành năng lượng bớt chật chội - Ảnh 1.

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng Mặt trời. Ảnh minh họa.

Hiện Điện lực Phú Yên phải xem xét lại toàn bộ kết cấu, khả năng mang tải của lưới điện, tính toán luồng công suất tiêu thụ trên địa bàn và luồng công suất phát từ các dự án điện Mặt trời áp mái của khách hàng đấu nối ảnh hưởng đến lưới. Từ đó, đề xuất các giải pháp kỹ thuật cũng như phương án đầu tư cải tạo lưới điện tối ưu để đáp ứng khả năng giải tỏa hết nguồn công suất do điện mặt trời áp mái phát lên.

Không chỉ Phú Yên là 1 trong 2 địa phương có số lượng dự án điện Mặt trời lớn nhất cả nước, tỉnh Ninh Thuận được quy hoạch phát triển trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của tỉnh này, 10/18 dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh phải giảm 60% công suất do quá tải hệ thống đường truyền tải điện.

Tháo rào cản, xóa độc quyền để tư nhân tham gia lĩnh vực năng lượng

Sau 10 năm phát triển ngành năng lượng theo Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị, bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn cũng bắt đầu bộc lộ không ít bất cập. Chiếc áo ngành năng lượng đang khoác đã trở nên chật chội. Vì thế, Nghị quyết mới về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ra đời đã thể hiện sự quan tâm của Đảng trong vấn đề phát triển năng lượng.

Nghị quyết được ví như một làn gió mới cho ngành năng lượng với rất nhiều điểm đáng chú ý như: Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, đặc biệt là kinh tế tư nhân, kể cả trong lĩnh vực truyền tải điện xưa nay vốn độc quyền nhà nước.

Dự án trạm biến áp 500 kV và đường dây 500 kV, 220 kV Trung Nam - Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận là một ví dụ điển hình, chỉ sau hơn 2 tháng thi công, 17km thi công đường dây với 34 trụ, chủ yếu trên địa hình là trên núi, đã đạt hơn 75% khối lượng công việc. Đây là một kỷ lục trong ngành xây lắp đường dây 500 KV tại Việt Nam, bởi nếu không được chuẩn bị nhân lực, thiết bị và tính toán chủ động sẽ khó đạt được kết quả đề ra là tháng 10 sẽ hoàn thành tất cả các hạng mục.

Gỡ nút thắt giúp chiếc áo khoác ngành năng lượng bớt chật chội - Ảnh 2.

Cả nước đã có gần 5.000 MegaWatt điện mặt trời được hoàn tất và đưa vào vận hành. Ảnh minh họa.

Ngân hàng Thế giới dự đoán là Việt Nam có thể tăng công suất điện Mặt trời từ 4,5 gigawatt hiện nay lên hàng chục gigawatt trong mười năm tới. Từ đó, tạo ra khoảng 25.000 việc làm mới trong lĩnh vực phát triển dự án, dịch vụ, vận hành và bảo trì cho tới năm 2030.

Đảng, Nhà nước đã cho thấy tinh thần: Xóa bỏ rào cản, kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền. Đồng thời đặt ra yêu cầu "Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế".

Những khó khăn như đã xảy ra thời gian qua không phải chỉ xảy ra khi phát triển điện Mặt trời mà là vướng mắc và kinh nghiệm chung với bất kỳ loại hình năng lượng tái tạo nào. Khi sự kết hợp giữa nhà nước và tư nhân chặt chẽ, bình đẳng sẽ tháo gỡ được nút thắt trong phát triển năng lượng bền vững cho Việt Nam.

Vậy việc cho phép tư nhân đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực năng lượng, kể cả truyền tải, việc này đang diễn ra như thế nào? Và cơ chế quản lý được thực hiện ra sao? Xung quanh vấn đề này, chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của Trần Hồng Kỳ - Chuyên gia Năng lượng Cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã có những phân tích, bình luận cụ thể.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước