Gỡ “nút thắt” visa: Cơ hội vàng hút khách du lịch quốc tế

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 01/04/2023 14:49 GMT+7

VTV.vn - Đề xuất nới lỏng chính sách thị thực nếu được thông qua sẽ là cơ hội vàng để thu hút khách du lịch quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh của điểm đến Việt Nam so với các nước.

Nâng thời hạn thị thực, cấp thị thực điện tử (E-visa) cho công dân các nước và vùng lãnh thổ, tăng thời gian tạm trú… là những đề xuất cấp bách nhằm thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.

Nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua sẽ là cơ hội vàng để thu hút khách du lịch quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh của điểm đến Việt Nam so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những thách thức lớn trong bối cảnh nguồn khách du lịch nước ngoài sụt giảm do dịch COVID-19 và phải tạo ra những sản phẩm du lịch mới thực sự hấp dẫn.

Chính phủ nhất trí đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử

Tuần này, Chính phủ đã nhất trí đề xuất với Quốc hội quyết định một số vấn đề cấp bách để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài (khách du lịch, nhà đầu tư, doanh nhân…) trong xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội.

Các thành viên Chính phủ nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày; kéo dài thời gian tạm trú với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực từ nửa tháng lên 1 tháng.

Gỡ “nút thắt” visa: Cơ hội vàng hút khách du lịch quốc tế - Ảnh 1.

Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. (Ảnh: Dân trí)

Các chính sách này được đề xuất đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại Kỳ họp tháng 5 tới đây để thực hiện được ngay, trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Tại cuộc họp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 31/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo phải gấp rút giải quyết những vướng mắc về visa cản trở du lịch phát triển, nếu chưa kịp sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, ngay trong kỳ họp tới có thể đề xuất Quốc hội đưa vào nghị quyết.

Hiện nay Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho công dân 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương, chỉ bằng 1/3 số quốc gia được miễn thị thực khi vào Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/6 của Indonesia và chưa bằng 1/7 của Singapore.

Doanh nghiệp lữ hành mong mỏi "nới" visa du lịch

Việc "nới" visa du lịch là chính sách các doanh nghiệp du lịch, lữ hành vẫn "ngày đêm mong mỏi".

Thời hạn miễn thị thực cho người nước ngoài được đề xuất nâng lên từ 15 - 45 ngày; nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả nước và vùng lãnh thổ. Những đề xuất này được đánh giá là cởi mở và tăng sức cạnh tranh thu hút khách quốc tế.

Với các doanh nghiệp, nếu chính sách thị thực được cải tiến, đồng nghĩa với việc có thể thỏa sức đánh bắt ở thị trường xa và chi tiêu cao. Ngay lập tức, các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng kế hoạch chào bán những sản phẩm du lịch dài ngày tới các thị trường châu Âu và châu Mỹ.

"Doanh nghiệp như chúng tôi rất phấn khởi và mong muốn sớm được triển khai ngay vì đó là một trong những bước quan trọng khi làm thủ tục hành chính để đón khách từ các nước vào Việt Nam", bà Phan Kiều Minh, Tổng Giám đốc Công ty Lucky Travel, cho biết.

Khách quốc tế 2 tháng đầu năm đạt gần 1/4 mục tiêu cả năm nay, khoảng 1,8 triệu lượt, nhưng khách ở thị trường xa còn khá khiêm tốn.

"Đây là một thông tin đáng mừng vì trước đây những khách như chúng tôi chỉ được ở đây 15 ngày, nếu được kéo dài thời hạn lưu trú sẽ là cơ hội để khách đến đây nhiều hơn", anh Julian, du khách Đức, bày tỏ.

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 650.000 tỷ đồng. Nếu đề xuất nới lỏng chính sách thị thực được thông qua, thời hạn tạm trú cho du khách dài hơn, sẽ giúp khai thác hiệu quả thị trường chi tiêu cao.

Xây dựng sản phẩm du lịch mới

Miễn thị thực và kéo dài thời gian lưu trú là một điều kiện tốt để thu hút khách du lịch nước ngoài đến một đất nước, nhưng đó "không phải là tất cả". Điều quan trọng vẫn là tạo ra sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách. Hiện nay, thiết kế các sản phẩm du lịch mới đang là hành động của các doanh nghiệp lữ hành.

Từ độ mở của chính sách thị thực được đề xuất, các doanh nghiệp lữ hành bắt tay ngay vào việc thiết kế sản phẩm mới với thời gian lưu trú dài ngày. Nếu trước đây, một tour cho du khách Châu Âu là từ 9 - 10 ngày, thì hiện nay thời gian một tour khám phá Việt Nam tăng lên gấp đôi.

"Khách ở thị trường xa như châu Âu, Anh, Australia, Mỹ, trước đây thời gian tour khoảng 9 - 10 ngày, nhưng bây giờ kéo dài lên đến gần 20 ngày", ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, cho hay.

Kéo dài thời gian lưu trú của khách quốc tế cũng giúp du lịch Việt Nam khắc phục nhược điểm chưa thể lấy được nhiều tiền của khách khi đến Việt Nam. Trung bình mỗi khách quốc tế ở thị trường xa chi tiêu khoảng từ 1.100 - 2.000 USD, chỉ bằng một nửa so với Thái Lan. Tập trung khai thác thị trường chi tiêu cao giúp du lịch Việt Nam thay đổi cả về lượng và chất.

"Với lượng thời gian lưu trú và được phép ra vào nhiều lần là cơ hội tốt và sẽ tăng lựa chọn cho khách", bà Nguyễn Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, nhận định.

Gỡ “nút thắt” visa: Cơ hội vàng hút khách du lịch quốc tế - Ảnh 2.

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế. (Ảnh: Dân trí)

Năm 2019 - thời điểm hoàng kim của du lịch Việt Nam, khách quốc tế đến là 18 triệu, bằng 21% khách nội địa, nhưng doanh thu của nhóm này chiếm gần 2/3, đóng góp quan trọng vào 9% GDP quốc gia, tương đương 32,8 tỷ USD.

"Tổng cục Du lịch sẽ có trách nhiệm truyền thông chính sách đó đến với tất cả doanh nghiệp đưa khách đi và đón khách đến với Việt Nam", ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết.

Nếu chính sách thị thực được đề xuất đi vào thực tế, Việt Nam sẽ đón được dòng khách quốc tế ở thị trường xa ngay trong mùa cao điểm tháng 9 đến 3 năm sau.

Việt Nam là một quốc gia hiếu khách, nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội để phát triển du lịch. Tuy nhiên thời gian qua, chính sách thị thực luôn là nút thắt hạn chế thu hút khách du lịch nước ngoài. Là một trong những quốc gia mở cửa du lịch rất sớm sau đại dịch COVID-19, nhưng chính sách thị thực khiến nhiều người tưởng tượng ra hình ảnh mời khách vào nhà, nhưng cánh cửa vẫn khép hờ.

Nếu chính sách nâng thời hạn thị thực được Quốc hội xem xét thông qua, cánh cửa của Việt Nam sẽ rộng mở đón chào du khách nước ngoài. Qua đó, du lịch Việt Nam thực sự hồi phục như trước đại dịch và có thể sớm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Chính sách visa thông thoáng - “Chìa khóa” hút khách quốc tế Chính sách visa thông thoáng - “Chìa khóa” hút khách quốc tế

VTV.vn - Các doanh nghiệp du lịch, chuyên gia rất mong chờ Việt Nam sớm có những thay đổi trong chính sách visa để thu hút du khách quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước