Gói hỗ trợ lần 2 cần đủ lớn và đủ mạnh

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 23/08/2020 11:19 GMT+7

VTV.vn - Tuần qua, Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh.

Nếu được chấp thuận, đây được xem là gói hỗ trợ thứ 2 sau gói 62.000 tỷ đồng đã được triển khai.

Theo đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp vừa và nhỏ; hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh, người lao động tại khu vực nông thôn. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới. Lãi suất vay là 3,96%/năm. Kinh phí ước tính là khoảng 15.000 tỷ đồng.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề xuất hỗ trợ người lao động phải thuê nhà, hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm, hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động.

Gói hỗ trợ lần 2 cần đủ lớn và đủ mạnh - Ảnh 1.

Theo đề xuất về gói hỗ trợ lần 2, các HTX được vay vốn ưu đãi với lãi suất 3,96%/năm. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Mức hỗ trợ với các đối tượng trên là 1 triệu đồng/người. Ước tính sẽ cần khoảng 3.600 tỷ đồng để hỗ trợ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn.

Trước đó, báo chí cũng đã thông tin việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương tập trung nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ kịp thời, đủ mạnh đối với người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự báo, có khoảng 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì COVID-19 và sẽ có khoảng 3,5 - 5 triệu người giảm việc làm. Nếu tăng trưởng GDP ở mức 5% mới đủ đảm bảo việc làm. Dưới mức này, tỷ lệ thất nghiệp, mất việc tăng lên sẽ kéo theo nhiều áp lực. Bởi vậy, việc nhanh chóng có gói hỗ trợ thứ 2 là cần thiết trong lúc này.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thể hiện quan điểm gói hỗ trợ này sẽ không chỉ hướng đến mục tiêu trước mắt, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, cho những người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng mà còn hướng đến các mục tiêu dài hạn hơn, tái cơ cấu để đặt nền tảng cho giai đoạn phát triển hậu COVID -19.

Mạnh tay cứu nền kinh tế

Gói hỗ trợ lần 2 cần đủ lớn và đủ mạnh - Ảnh 2.

Đề xuất gói hỗ trợ lần 2, lao động mất việc được giúp đỡ tiền thuê nhà, nuôi con. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Dù mới chỉ có những phác thảo ban đầu, nhưng theo quan sát và bình luận từ báo chí, đây sẽ không đơn thuần là sự "kéo dài thời hạn" các chính sách hỗ trợ hiện có như: giãn, hoãn nộp thuế hay giảm lãi suất…, mà còn là các chính sách "mạnh tay" hơn.

Với nhan đề "Mạnh tay cứu nền kinh tế", tờ Đầu tư bình luận: "Khi "làn sóng" COVID-19 thứ hai ập đến, nền kinh tế Việt Nam - vốn đang bị tác động nghiêm trọng vì COVID-19 chưa kịp hồi phục - đã tiếp tục gánh chịu những tổn thất lớn".

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ đợt 1, bao gồm cả gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, được cho là "chưa đủ ngấm". Nhiều người dân, nhiều doanh nghiệp còn chưa kịp nhận được các chính sách hỗ trợ này. Bởi vậy, vấn đề ở "gói hỗ trợ lần 2" này là cần "đủ lớn và đủ mạnh".

Thiết kế gói hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 lần 2

Việt Nam cũng đã nhấn mạnh về một "trạng thái bình thường mới", nhưng khi đã xác định COVID-19 chưa biết khi nào mới chấm dứt, thì một mặt phải xác định "sống chung an toàn với COVID-19", mặt khác phải nhanh chóng có kế sách, có chiến lược phát triển mới.

Gói hỗ trợ lần 2 cần đủ lớn và đủ mạnh - Ảnh 3.

Doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất khiến tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Trong khi các đề xuất, chính sách mới còn phải chờ đợi cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định, sức chống chịu của doanh nghiệp hiện còn rất mỏng.

Doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất đã khiến tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng nhanh chóng, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong bối cảnh như vậy, việc xem xét, gia hạn các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 cần sớm được thực hiện.

Gói phục hồi kinh tế lần 2: Phải nhanh và đúng trọng điểm

Nhìn lại các gói hỗ trợ vừa qua, nguồn lực để thực hiện không nhỏ, nhưng hiệu quả trên thực tế chỉ ở mức độ vừa phải, hoàn toàn chưa đạt mục tiêu và kỳ vọng mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra. Vì vậy, việc ban hành các chính sách mới - theo bình luận của tờ Đại biểu nhân dân - cũng phải tăng tốc hơn nữa để ngăn chặn kịch bản xấu nhất, bởi nếu càng chậm trễ thì càng khó vực dậy các doanh nghiệp.

Kỳ vọng đang đặt vào chương trình phục hồi kinh tế. Trong đó, gói hỗ trợ thứ 2 được xem là một giải pháp. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để kinh tế tăng trưởng thì phải chấp nhận bội chi và tăng nợ công. Theo phân tích của tờ Thời báo Ngân hàng, một chỉ tiêu nữa cũng cần phải điều chỉnh đó là nợ xấu. Sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, nợ xấu chắc chắn tăng lên. Đó là thực tế phải chấp nhận.

Chính phủ dự kiến tung gói hỗ trợ 90.000 tỷ đồng cho người dân Chính phủ dự kiến tung gói hỗ trợ 90.000 tỷ đồng cho người dân

VTV.vn - Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp đề xuất Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ lần hai cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước