Trong tuần qua, những chương trình nghị sự quan trọng của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tiếp tục là điểm nhấn trên các trang báo. Trong đó tâm điểm là 2 ngày các đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Ở mỗi kỳ họp Quốc hội, những phiên thảo luận về kinh tế - xã hội luôn dành được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước.
6 tháng đầu năm nay là một khoảng thời gian đầy thử thách đối với kinh tế - xã hội nước ta. Chính vì vậy, điểm nhấn đầu tiên chính là nhiều ý kiến tại các phiên thảo luận đã đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành, giúp nền kinh tế vượt khó cùng với những kết quả kinh tế - xã hội đáng ghi nhận.
Tăng trưởng kinh tế tiếp đà tích cực
Tăng trưởng GDP quý 2 đạt 6% và GDP cả năm 2022 dự báo tăng trưởng tới trên 7%. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Nhiều đại biểu đã nêu ra các con số thống kê thuyết phục. Sự phục hồi được minh chứng bằng việc GDP quý 1 ước tăng 5,03%, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 5 tháng tăng hơn 8%, thu ngân sách đã đạt 57% dự toán năm, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Tuy chưa trở lại với mức tăng trước dịch COVID-19, nhưng đây là những con số hết sức tích cực. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã thích ứng với bối cảnh mới, khắc phục khó khăn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, báo Đầu tư thông tin.
Xác định chính xác "bức tranh" kinh tế
Còn báo Đại biểu nhân dân đưa ra đánh giá của một số đại biểu Quốc hội và các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: "Dù nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những nỗ lực vượt bậc trong chỉ đạo, điều hành, kịp thời đề xuất với Quốc hội nhiều cơ chế , chính sách đặc thù, đặc biệt để giải quyết nhanh những vấn đề của nền kinh tế, đời sống của nhân dân nên đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2021 cũng như những tháng đầu năm 2022".
Trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng đã khẳng định chính nỗ lực vượt khó vừa qua đã củng cố niềm tin của nhân dân. Đặc biệt gần đây, việc tổ chức rất thành công SEA Games 31 đã thêm một lần khẳng định vị thế, tiềm lực và uy tín của Việt Nam, trở thành một xung lực tinh thần quan trọng có tính lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
Bên cạnh đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận để phân tích bất cập, đồng thời đề xuất các chính sách nhằm gỡ những nút thắt, điểm nghẽn trong phục hồi và phát triển kinh tế. Đây chính là sự đồng hành đầy trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ với mục tiêu đưa kinh tế - xã hội của đất nước vượt khó.
Bất động sản vẫn gây bất an trong dân
"Bất động sản vẫn gây bất an trong dân", đây là hàng tít với cách chơi chữ đáng chú ý ngay trên trang nhất tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh khi những biểu hiện bất thường của thị trường bất động sản là chủ đề thảo luận được không ít đại biểu quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu các góc khuất, tiêu cực trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đơn cử, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy thẳng thắn đề cập đến tình trạng thắng thầu bỏ cọc, móc ngoặc dìm giá như tại Thủ Thiêm vừa qua. Mục đích cuối cùng đều là để rút ruột, gây thiệt hại cho nhà nước và làm lợi cho một nhóm thiểu số.
Theo nữ đại biểu hiện đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị, Chính phủ, Bộ Công an cần tăng cường kiểm soát, chọn một số phiên đấu giá đất có nhiều dư luận vừa qua để xác minh điều tra, nếu đủ cơ sở thì cần khởi tố, xử lý hình sự, qua đó răn đe, phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực này.
Cũng bàn về thị trường bất động sản, Đại biểu Phan Thái Bình nêu lên thực tế: "Kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, người dân bị đánh thuế theo giá thị trường, nhưng khi bị thu hồi đất thì bồi thường theo giá nhà nước thấp hơn rất nhiều. Đây là vấn đề bất bình đẳng trong mối quan hệ này. Việc thiếu cơ sở pháp lý khiến một số nơi có biểu hiện tùy tiện trong việc áp dụng giá bất động sản tính thuế".
Cần có cơ quan thẩm định giá độc lập
Một giải pháp được chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, đề xuất trên tờ Thời báo Tài chính, đó là cần phải có một cơ quan thẩm định giá độc lập buộc bên mua, bên bán phải khai trung thực giá.
Phát biểu giải trình những vấn đề đại biểu nêu về khắc phục lỗ hổng, tăng cường minh bạch trên thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin: "Vừa qua, Bộ Tài chính đã có 5 văn bản để cảnh báo về những rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ để nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia. Đồng thời, Bộ Tài chính liên tục chỉ đạo, yêu cầu kiểm tra, rà soát thị trường này".
Người đứng đầu Bộ Tài chính còn cho biết sắp tới sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời, trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa Luật Chứng khoán…, từ đó khắc phục lỗ hổng, tăng cường minh bạch trên thị trường.
Ngoài ra, trong 2 ngày thảo luận này, nhiều đại biểu đã đóng góp các đề xuất giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục và sự phát triển của nền kinh tế vốn đang gặp rất nhiều thách thức hiện nay. Chậm giải ngân vốn đầu tư công chính là một trong những điểm nghẽn đó.
Không ít đại biểu Quốc hội lo ngại vì tính đến cuối tháng 5, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt khoảng hơn 1/5 kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đó là những con số đáng suy nghĩ, bởi trong hoàn cảnh đất nước đang rất cần nguồn lực để nhanh chóng phục hồi kinh tế sau đại dịch, việc chậm giải ngân đầu tư công là một sự lãng phí lớn.
Xử lý tận gốc bệnh chậm giải ngân
Một số giải pháp về cơ chế chính sách đã được các đại biểu Quốc hội đề xuất, như bình luận của báo Đầu tư, trong giai đoạn trước mắt, bên cạnh tiếp tục gắn trách nhiệm người đứng đầu, các cơ quan chức năng vẫn phải bám sát công trường, thậm chí "cầm tay chỉ việc" tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu, trong bối cảnh giá một số mặt hàng tăng nhanh như gần đây, càng phải quyết liệt, quyết tâm xử lý sớm mới có thể xử lý sớm và hiệu quả.
Bên cạnh sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công vốn đã tồn tại lâu nay, các đại biểu Quốc hội còn rất sốt ruột và trăn trở trước một sự chậm trễ khác, đó là chậm triển khai các gói hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, đến hiện tại, đã cơ bản hoàn thành các chính sách và giải ngân được 22.000 tỷ đồng trong gói chính sách 347.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đến hiện tại, đã cơ bản hoàn thành các chính sách và giải ngân được 22.000 tỷ đồng trong gói chính sách 347.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Phó Thủ tướng cho rằng đây cũng là một tiền đề rất quan trọng để tin tưởng gói hỗ trợ này sẽ được thực hiện tốt trong thời gian tới và nhấn mạnh: "Thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành rất thận trọng để tránh sơ suất, tránh những trách nhiệm sau này khi tổ chức thực hiện vì số tiền rất lớn".
Đừng bỏ lỡ cơ hội vàng!
Trong các bài phân tích về nội dung này, tờ Đại biểu Nhân dân có thông điệp đáng chú ý: "Đừng bỏ lỡ cơ hội vàng".
Để không lỡ cơ hội vàng, không lỡ nhịp phục hồi kinh tế đòi hỏi Chính phủ phải có phương án, kế hoạch phân công triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương; đặc biệt, cần có cơ chế xử lý trách nhiệm với tổ chức, cá nhân trong việc không đảm bảo tiến độ khi triển khai thực hiện chính sách này.
Với những giải pháp được đề xuất đầy tinh thần trách nhiệm và thẳng thắn của các đại biểu Quốc hội cùng sự vào cuộc với quyết tâm cao hơn, trách nhiệm hơn nữa của các cơ quan chức năng, rất kỳ vọng việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ sớm tăng tốc trong thời gian tới, đó cũng chính là mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào lúc này.
Kinh tế khởi sắc
Triển khai hiệu quả chương trình đặc biệt quan trọng nói trên sẽ góp phần tạo động lực cho sự phục hồi kinh tế nhanh và bền vững của đất nước sau đại dịch. Ngay trong tuần qua, các con số báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy nền kinh tế đang khởi sắc.
Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 2 đạt 6% và GDP cả năm 2022 dự báo tăng trưởng tới trên 7%. Bên cạnh đó là những con số tăng trưởng về nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch hay dịch vụ… Theo báo Lao động, xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm nay ước đạt gần 153 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất siêu đạt 516 triệu USD.
Tuy nhiên, không thể không nói tới các biến số rất khó lường đã và đang ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế, đơn cử như xung đột Nga - Ukraine hay chính sách Zero COVID-19 của Trung quốc có thể gây đứt gãy các chuỗi cung ứng, gây khó cho các Doanh nghiệp và cả nền kinh tế, bình luận của báo Đầu tư.
Nâng hạng tín nhiệm tạo hiệu ứng lan tỏa
Trên tờ Thời báo Tài chính, Cục trưởng Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đánh giá: "Với tin vui về việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng ổn định có ý nghĩa hết sức tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!