Trang tin điện tử freemalaysiatoday.com dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội người tiêu dùng Malaysia cho rằng: "Nếu Grab thâu tóm Uber chuyện độc quyền tại riêng Malaysia là hoàn toàn có thể. Giá cước dịch vụ sẽ tăng cao trong khi taxi truyền thống không đảm đương hết".
Tờ The Asian Post dựa trên báo cáo thị phần cho thấy Grab đang bỏ xa các đối thủ, thế độc quyền của Starup này không còn là viễn cảnh. Người viết lấy ví dụ thực tế về trường hợp tương tự tại Trung Quốc làm minh hoạ cho nỗi lo độc quyền. Từ năm 2016, khi Uber bán lại mảng kinh doanh tại Trung Quốc cho Didi Chuxing, các chương trình khuyến mãi cho khách hàng giảm dần, chỉ còn thưa thớt... và đồng thời phần trăm hoa hồng cho tài xế cũng bị giảm.
Trong khi đó, Tech in Asia lại có một cái nhìn tích cực hơn. Mặt lợi của việc có một đơn vị độc quyền là mọi nhu cầu về dịch vụ sẽ được phản hồi, xem xét và đáp ứng sát sao hơn. Tuy nhiên, trang này cũng chỉ ra, người tiêu dùng không tránh khỏi bất ngờ khi giá cả có thể điều chỉnh bất cứ lúc nào. Do đó, riêng thương vụ này tại Đông Nam Á, các nhà làm luật ở các nước sẽ sớm tham gia can thiệp vào quá trình điều tiết giá để tránh thiệt hại cho người tiêu dùng.
Ai là người được lợi nhất?
Liệu Grab có phải là bên được hưởng lợi nhất sau thương vụ với Uber. Liên quan đến thương vụ này, nhiều chuyên gia cho rằng Softbank - Tập đoàn viễn thông đa quốc gia đến từ Nhật Bản mới là bên được hưởng lợi nhất.
Hiện Softbank đang là cổ đông lớn nhất của Uber. Còn với Grab, Softbank cũng đã rót khoảng 2 tỷ USD trong năm 2017. Đặc biệt, đại diện Softbank đều đang tham gia Ban Giám đốc của cả Grab và Uber.
Tờ Finanacial Times trích phát biểu của ông Rajeev Misra - thành viên Ban Giám đốc mới của Uber và là người của SoftBank nói rằng Uber sẽ thu được lợi nhuận nhanh hơn nếu rời bỏ một số thị trường quốc tế và tập trung vào các thị trường khác như Mỹ, châu Âu, Mỹ Latin và Australia.
Một số chuyên gia suy đoán, dường như Softbank đang đóng vai trò hợp nhất, qua đó giúp tái cơ cấu, sắp xếp lại chiến lược kinh doanh của Grab và Uber tại Đông Nam Á. Khi đó, các khoản đầu tư đã đổ vào hai bên sẽ không bị xung đột - một lý giải hợp lý cho sự rút lui của Uber vào thời điểm này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!