Theo đó, Hà Nội sẽ có các cơ chế như: Được quyết định thu một số khoản phí, tăng mức thu, tỷ lệ thu phí; Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; Mức trần dư nợ vay của thành phố từ 70% - 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác.
Với vị thế thủ đô, Hà Nội có vai trò quan trọng trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của cả đất nước. Hà Nội có nhu cầu để phát triển lớn nhưng nguồn lực hạn chế khiến "có khéo co vẫn chưa đủ ấm". Vậy cơ chế mới sẽ tháo gỡ được những gì được coi là vướng mắc của Hà Nội hay không?
Sáng 19/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế đặc thù của Hà Nội.
Nhu cầu phát triển của Hà Nội
Hà Nội đóng góp khoảng 17% vào nguồn thu chung của ngân sách cả nước. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội cũng trên 7,46%. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của thủ đô lại quá tải đã lâu. Ùn tắc, các công trình cấp thiết không được triển khai...
Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của Hà Nội, nhu cầu vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 300.000 tỷ đồng, trong khi thành phố chỉ cân đối ngân sách được 105.000 tỷ đồng.
Nhu cầu vốn đầu tư công của Hà Nội rất lớn.
Còn đối với cổ phần hóa, nếu tính tổng tài sản cổ phần hóa các doanh nghiệp, Hà Nội còn khoảng 25.000 tỷ đồng theo giá trị vốn. Thời gian vừa qua, Hà Nội cổ phần hóa và đã thu được 11.000 tỷ đồng. Nhưng mấy năm vừa qua số tiền này cũng giữ lại không nộp về quỹ Tài chính của SCIC.
Thiếu vốn đầu tư là một trong nhiều vướng mắc của Hà Nội trong quá trình phát triển. Cơ chế đặc thù sẽ giúp Hà Nội tận dụng được các nguồn lực tài chính như thế nào để giải quyết khó khăn này?
Trao đổi với phóng viên VTV, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hà Nội cho hay: "Cơ chế đặc thù sẽ giúp thành phố giải quyết 3 vấn đề mẫu chốt: Giúp Hà Nội huy động nguồn lực lớn cùng với nguồn lực địa phương được hưởng theo cơ chế hiện hành tạo điều kiện phát triển kinh tế và giúp địa phương tự chủ để quyết định các chính sách này; Giúp Hà Nội cơ cấu lại chi tiêu công với các lĩnh vực có khả năng xã hội hóa; Giúp Hà Nội thực hiện các chương trình phát triển với các địa phương khác trong cà nước theo tinh thần "Hà Nội vì cả nước và cà nước vì Hà Nội", đồng thời thu hẹp khoảng cách các quận, huyện".
Kế hoạch triển khai cơ chế đặc thù phát triển hạ tầng
Để Hà Nội phát triển đúng với vị thế thủ đô của cả nước, việc có cơ chế tài chính đặc thù là vô cùng cần thiết. Với những cởi trói về cơ chế Hà Nội đã có những kế hoạch để triển khai ngay. Theo đó, nếu có được cơ chế tài chính đặc thù, Hà Nội sẽ tự làm đường sắt đô thị tuyến Hà Nội đi Hoàng Mai hơn 40.000 tỷ đồng và từ Văn Cao đi Hòa Lạc 66.000 tỷ đồng. Đây được xem là cơ hội lớn để thủ đô cải thiện mạng lưới hạ tầng giao thông đáng quá tải trong thời điểm hiện nay.
Hà Nội khẳng định sẽ đầu tư hoàn toàn bằng vốn của Hà Nội. Một là lấy từ vốn cổ phần hóa, hai là vốn đầu tư công của thành phố 5 năm bỏ ra 15.000 tỷ đồng và nguồn thứ ba là sẽ từ phát hành trái phiếu. Hai tuyến đường sắt trên Hà Nội có thể tự làm được và sẽ làm ngay sau khi cơ chế đặc thù cho Hà Nội được Quốc hội thông qua.
TP Hà Nội được thực hiện nhiều cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù. (Ảnh: Dân trí)
Cơ chế đặc thù giống như việc có một chiếc chìa khóa để mở cánh cửa còn đang đóng kín nhưng đó cũng chỉ là bước đầu tiên của việc thực hiện những kế hoạch phát triển. Trong quá trình thảo luận về cơ chế đặc thù cho Hà Nội tại Quốc hội đã có rất nhiều ý kiến cho rằng đặc thù không phải đặc quyền đặc lợi. Đặc thù để phù hợp hơn, trao thêm quyền phải đi kèm với trách nhiệm nhiều hơn, ràng buộc lớn hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!