Hà Nội lên kế hoạch đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần 2022

VTV Digital-Thứ ba, ngày 26/10/2021 09:23 GMT+7

VTV.vn - Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 với 11 mặt hàng thiết yếu để phục vụ người dân với giá trị lên đến 39.000 tỷ đồng.

Hiện các chuỗi siêu thị lớn tại Hà Nội đã bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân sau một năm đầy biến động do dịch COVID-19.

Hiện chuỗi siêu thị Vinmart đã lên kế hoạch bổ sung nguồn cung hàng hóa cho dịp Tết với mục tiêu tăng lượng dự trữ hàng hóa lên 35% so với những tháng bình thường.

Còn chuỗi siêu thị siêu thị Big C và GO quyết định ưu tiên các nhà cung cấp trong nước để tránh rủi ro, chủ động nguồn hàng nhập vào cũng như giảm thiểu chi phí không cần thiết, đảm bảo mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng.

Được biết, không chỉ đảm bảo nguồn cung, các chuỗi siêu thị cũng lên kế hoạch thuê thêm số lượng lớn nhân viên thời vụ. Cụ thể, số lượng nhân viên ở các vị trí giao hàng, thu ngân hay ở quầy cân sẽ được tăng lên gấp 2 lần để có thể phục vụ khách hàng tốt nhất.

Hà Nội lên kế hoạch đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 - Ảnh 1.

Hiện các chuỗi siêu thị lớn tại Hà Nội đã bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh minh họa - VOV.

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay: "Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết với 11 mặt hàng thiết yếu để phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết, tương ứng với giá trị lên khoảng 39.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó vẫn đảm bảo kế hoạch 181 của thành phố về đảm bảo sản xuất nông nghiệp, kết nối cung cầu để đảm bảo cho 19 mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch".

Trong hoàn cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, hoạt động mua sắm hàng hóa tại các điểm kinh doanh có tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Vì vậy, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị phương án đảm bảo hàng hóa sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19 trên địa bàn theo các cấp độ diễn biến của dịch.

Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, trong trường hợp cần thiết khi xảy ra dịch, bệnh trên địa bàn, có thể sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; các điểm trung chuyển hàng hóa đã dự kiến; chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu (các địa điểm này do UBND các quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp đề xuất) để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất kinh doanh.

Hiện, Hà Nội có 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 449 chợ truyền thống và 1.800 cửa hàng tiện lợi, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ngoài ra, còn có các kênh bán hàng đa phương tiện: bán hàng qua website, hotline, app… với khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước