Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, TP Hà Nội đứng thứ 2 cả nước, tăng hơn 30 điểm so với năm 2021.
Sở Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu cùng TP Hồ Chí Minh trở thành 2 địa phương chủ chốt, giúp thị trường thương mại điện tử Việt Nam cán mốc doanh thu 39 tỷ USD vào năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Sở đã đề ra một bản kế hoạch chi tiết với mục tiêu tăng trưởng 2 con số ở nhiều hạng mục.
Đại diện Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, thành phố đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, tỷ trọng thanh toán không tiền mặt trên thương mại điện tử đạt ít nhất 45%.
Bên cạnh đó, 65% giao dịch thanh toán trực tuyến có sử dụng hóa đơn điện tử để thuận tiện trong việc quản lý, thu thuế. Cùng với đó, số lượng website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến đạt trên 75%.
Thanh toán qua ứng dụng kỹ thuật số ngày càng phổ biến ở Việt Nam. (Ảnh: NLĐ)
"Hiện nay chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân và tổ chức cá nhân doanh nghiệp hiểu rõ tác dụng của thanh toán không tiền mặt; hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử để kết nối vừa bán trên thị trường nội địa, vừa xuất khẩu", bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho hay.
Theo các chuyên gia, quét mã QR Code khi nhận hàng là một trong những biện pháp hiệu quả để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay phương pháp này đã được áp dụng rộng rãi ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn.
"Tôi rất ít khi sử dụng tiền mặt khi mua hàng online; hoặc tôi trả tiền trước qua thẻ, hoặc là quét mã QR khi shipper đến, rất nhanh chóng và tiện lợi. Tôi đỡ phải dùng tiền mặt", anh Nguyễn Tiến Chung, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ.
"Khách hàng dùng điện thoại di động có camera giúp quét QR Code làm tăng tốc đáng kể hoạt động nhập liệu, đặc biệt là dữ liệu về đơn hàng của khách hàng. Khâu trung gian ít, do đó dữ liệu ít sai, tốc độ xử lý nhanh giúp doanh nghiệp tăng tốc hoạt động kinh doanh và mở rộng quy mô", ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nhận định.
Để tỷ trọng thanh toán không tiền mặt trên các sàn thương mại điện tử đạt trên 45%, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết sẽ chú trọng tập huấn các tiểu thương, hướng dẫn khách hàng mua sắm trực tuyến, nhắm đến các đối tượng không chỉ ở những người trẻ, mà ở mọi độ tuổi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!