Hai tuyến cao tốc thuộc 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông là Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây chính thức đưa vào khai thác là thông tin nổi bật trên các báo ra trong tuần. Tuyến cao tốc qua địa phận tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ thành phố đến Bình Thuận chỉ còn 2 tiếng thay vì 4 tiếng như trước đây.
Trong lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh về việc các đơn vị địa phương đã vượt nắng, thắng mưa, vượt qua đại dịch, thắng bão giá, vượt lên chính mình với quyết tâm cao nhất, cố gắng lớn nhất, nỗ lực và quyết liệt hành động để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra
Còn theo đại diện một nhà thầu xây dựng tại dự án Phan Thiết – Dầu Giây, 120 ngày chạy đua nước rút vẫn là "một trận đánh lớn và khó khăn nhất" trong cuộc đời làm nghề.
Theo thông tin trên tờ Đầu tư, quá trình triển khai dự án này hội tụ tất cả những khó khăn cực điểm của ngành xây dựng hạ tầng, từ việc khan hiếm vật liệu thông thường như đất đắp, đá, cát; ảnh hưởng của COVID-19; biến động giá vật liệu xây dựng,thời tiết khu vực các dự án diễn biến bất thường với mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ.
Tuy nhiên, với quyết tâm không bàn lùi, không chần chừ, không do dự, phải làm bằng được và đạt kết quả cụ thể, có thể cân đong đo đếm được, hầu hết các vướng mắc đã được tháo gỡ, theo báo Đại đoàn kết.
Vào ngày 1/5 vừa qua, Thủ tướng cũng đã đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn qua 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại đây, Thủ tướng đã trực tiếp nghe tâm tư nguyện vọng của người dân và một số khó khăn của nhà thầu, từ đó chỉ đạo giải quyết ngay các vướng mắc để tiếp tục thúc đẩy tiến độ của các dự án cao tốc quan trọng.
Cao tốc vươn ra đến đâu, sẽ có thêm nhiều tuyến, điểm du lịch mới, thêm cơ hội cho người dân, doanh nghiệp. Tuyến cao tốc còn mở ra cơ hội kết nối các địa phương, vùng và liên vùng để có những sản phẩm du lịch liên tuyến đặc sắc hơn. Sự chuyển động ấy, tất cả được gói gọn trong mấy chữ tăng trưởng kinh tế, công ăn việc làm, thịnh vượng.
Báo Tuổi trẻ thông tin, người kinh doanh cũng khấp khởi mừng khi du lịch Bình Thuận sẽ được đánh thức nhờ tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Các cuộc cạnh tranh điểm đến hấp dẫn sẽ diễn ra. Sự cạnh tranh sẽ đem lại chất lượng phục vụ tốt hơn, giá cả phải chăng hơn. Điều đó có lợi cho tất cả, cho du khách, cho doanh nghiệp và người dân địa phương.
Với việc một loạt dự án hạ tầng giao thông đã và sắp hoàn thành, nhiều dự án mới khởi công và chuẩn bị khởi công trên khắp cả nước, diện mạo nhiều tỉnh, thành phố đang dần thay đổi, tạo ra không gian phát triển mới.
Báo Đầu tư bình luận, sau khi đưa vào khai thác các đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cam Lâm - Nha Trang, sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh đến các điểm du lịch ở Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa, đồng thời, mở ra cơ hội phát triển du lịch, công nghiệp, thương mại…, tạo động lực tăng trưởng mới cho đầu tàu kinh tế phía Nam.
Cho đến nay, nhiều người đã bắt đầu bàn về Cột mốc 2025. Một loạt dự án trọng điểm khác như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành và một số tuyến quốc lộ khác khi đó sẽ được hoàn thành. Còn theo dự kiến, đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh – động lực mới cho các tỉnh phía Nam sẽ được khởi công vào cuối tháng 6 tới.
Khi đó, đô thị vệ tinh sẽ phát triển, mở rộng không gian phát triển công nghiệp, logistics, tạo thuận lợi rất lớn cho việc vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đầu tàu kinh tế phía Nam sẽ thay đổi diện mạo và bước vào thời kỳ tăng trưởng mới.
Việt Nam là quốc gia dẫn đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng và đang chi khoảng 5,7% GDP cho lĩnh vực này, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt như thiếu tầm nhìn rõ ràng về nhu cầu cơ sở hạ tầng, phối hợp nhiều bên trong suốt quá trình dự án chưa chặt chẽ, năng lực thực hiện đầu tư công còn hạn chế. Đó là thông tin trên tờ Lao động.
Theo hoạch định mạng lưới giao thông của Bộ Giao thông Vận tải, các tuyến giao thông đường bộ sẽ đóng vai trò kết nối liên vùng. Hệ thống đường thủy nội địa, cảng biển, cảng cạn có thể trở thành đầu mối để xuất nhập khẩu hàng hóa đi các tuyến biển xa.
Theo tờ Công Thương, có thể thấy khu vực phía Nam sẽ hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ giữa các phương thức, loại hình vận tải. Đây sẽ là tiền đề, là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam, quan trọng hơn sẽ tạo thuận lợi cho việc lan toả sản xuất công nghiệp từ TP Hồ Chí Minh sang các địa phương khác trong khu vực.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp vận tải đang bị "ngáng chân". Điều này xuất phát từ việc chi phí tăng, nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm mạnh, và tình trạng ùn tắc đăng kiểm vẫn diễn ra phổ biến… Tình trạng này được tờ Đầu tư mô tả là "Vận tải biển gặp nhiều sóng gió… Đường bộ gặp khó vì đăng kiểm". Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023 đi lùi như một động thái cẩn trọng trước diễn biến nền kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, đường sắt, từng được coi là "xương sống" của nền kinh tế đã không nhận được sự đầu tư thỏa đáng trong nhiều năm qua, dẫn đến không thể "chia lửa" được cho đường bộ. Theo tờ Sài Gòn giải phóng, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc ngành giao thông vận tải cần quyết liệt thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu vận tải nhằm đạt mục tiêu kéo giảm chi phí logistics, trong đó, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án trong các lĩnh vực vận tải sẽ là những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường thủy nội địa và đường sắt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!