Thiếu hạ tầng giao thông vẫn là một "nút thắt" cản trở phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực miền núi phía Bắc, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số.
Thác Thâm Luông - một điểm đến yêu thích của du khách khi đến với xã Du Già, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Cao điểm có ngày nơi này đón tới 1.000 khách, cao hơn cả thời điểm trước dịch COVID-19.
Tuy nhiên để được tận mắt chiêm ngưỡng những cảnh sắc độc đáo của cung đường lên Du Già, đây chính là thử thách, đường hẹp men sát vách núi, đất pha cát, đá dăm, còn cả dấu vết "suối chảy giữa đường" từ mùa mưa trước.
"Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, cảnh sắc ở đây rất đẹp, nhưng nói thật, tôi chưa dám tự lái xe máy để đến những nơi này, vì đường xá khó đi. Tôi phải nhờ người dân địa phương đi xe máy chở đến đây. Nếu đường dễ đi hơn mà chúng tôi tự lái xe máy đến đây được thì tuyệt vời", anh Hugues Cazanave, du khách Pháp, chia sẻ.
Xã Du Già tạm thời kêu gọi xã hội hóa, người dân tự đắp đường để hút khách vào các homestay và các điểm du lịch, nhưng về lâu dài, vẫn cần nguồn vốn đầu tư xây dựng cảnh quan, mở rộng hành lang đường.
"Thực trạng hiện nay ở xã Du Già là hệ thống đường không có rãnh thoát nước. Do đó, chúng ta cần phải đầu tư nâng cấp toàn bộ hệ thống đường xá, từ TP Hà Giang, Đồng Văn, Mèo Vạc, Du Già…. Cung đường đẹp sẽ thu hút nhiều lượng khách du lịch hơn nữa", ông Nguyễn Kiên Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Du Già, Yên Minh, Hà Giang, cho biết.
Dự án khu du lịch sinh thái tâm linh Lũng Cú, thuộc địa bàn xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Dân trí)
Mùa hoa gạo trên cao nguyên đá, mùa lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang, hay lên với điểm cực Bắc của Tổ Quốc, đây vẫn là thách thức đối lớn với những du khách không quen đi những cung đường vách núi đầy hiểm trở.
Đột phá trong xây dựng hạ tầng giao thông
Rõ ràng, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao đời sống của người dân khu vực miền núi, mở ra cơ hội giao thương. Đó cũng là lý do một số địa phương miền núi phía Bắc đã xác định xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá quan trọng.
Ví dụ như Hà Giang, tỉnh xác định xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ đột phá cần đặc biệt ưu tiên từ nay đến năm 2025. Khi có đường, có điện, văn minh sẽ tới, tự bà con sẽ thay đổi, vươn lên thoát nghèo.
Dự án nâng cấp đường tỉnh mới nhất của tỉnh Hà Giang vừa khởi công cuối tháng 2. Tuyến đường Minh Ngọc - Mậu Duệ (từ xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê lên xã Du Già, huyện Yên Minh) có tổng mức đầu tư gần 440 tỷ đồng, với chiều dài gần 20 km.
Điểm cuối của tuyến đường từ huyện Bắc Mê lên huyện Yên Minh của tỉnh Hà Giang vừa được khởi công nâng cấp. Hiện đây là đường miền núi cấp độ 6, nhưng trong năm sau, khi hoàn thành nâng cấp, sẽ lên cấp độ 4, nghĩa là có 2 làn xe, đường rộng gấp đôi, tốc độ cho phép lưu thông cao gấp đôi. Như vậy, việc đi lại ở phía đông cao nguyên đá sẽ thuận tiện hơn nhiều.
Đây là 1 trong 6 tuyến tỉnh lộ được tỉnh Hà Giang thi công nâng cấp thành đường miền núi với tiêu chuẩn thiết kế cấp 4 trong năm nay. Mục tiêu đạt tối thiểu 170 km đường miền núi cấp 4 đến năm 2025.
Riêng công trình nâng cấp đường lên huyện Hoàng Su Phì với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng sẽ về đích trong năm sau. Trong vòng 5 năm, đến năm 2025, tỉnh xây dựng 1.760 km đường giao thông nông thôn.
"Phát triển giao thông, quốc lộ, tỉnh lộ đã xác định rõ chương trình phát triển đường huyện, đường xã và giao thông nông thôn. Chúng tôi có cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm, tập trung đầu tư cho giao thông của 34 xã biên giới có hệ thống đường giao thông đạt chuẩn nông thôn mới. Việc phát triển hạ tầng giao thông có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra điều kiện phát triển kinh tế - xã hội", ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, thông tin.
Dự kiến đầu tháng 4 tới, một dự án quan trọng là cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 sẽ khởi công để tăng khả năng kết nối. Những tuyến tỉnh lộ trọng yếu được mở rộng.
Đường huyện, đường xã, đường thôn xây dựng theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Chỉ trong vòng 2 năm tới, 100% các thôn biên giới ở Hà Giang có đường giao thông đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh như một đại công trường xây dựng những tuyến đường đột phá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!