Hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển vùng ĐBSCL

Hùng Lĩnh-Thứ năm, ngày 04/01/2024 16:18 GMT+7

VTV.vn - Với các dự án giao thông được triển khai, đây sẽ là cơ sở để ĐBSCL phát huy lợi thế, khai phá tiềm năng, phát huy nguồn lực để đạt tốc độ tăng trưởng cao thời gian tới.

Mới đây, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã chính thức đi vào hoạt động, đây là tin vui được cả người dân và cộng đồng doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bởi sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, tăng kết nối vùng, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư.

Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, ĐBSCL sẽ được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km. Trong đó có 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến trục ngang.

Với tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ đi vào hoạt động, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh về miền Tây đã được nối dài thêm 23 km. Điều này được kỳ vọng mở ra cơ hội phát triển mới cho các doanh nghiệp.

"Chúng tôi tìm kiếm quỹ đất sẵn sàng ở các tỉnh thành khác, cơ hội đầu tư tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hoặc những địa phương có hệ thống giao thông đang được đầu tư phát triển gần đây", ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh, Khu công nghiệp Long Hậu, cho biết.

Hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển vùng ĐBSCL - Ảnh 1.

Nút giao cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2. (Ảnh: PLO)

Với nhiều lợi thế về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn với hành lang kinh tế, cùng với các tuyến cao tốc đang và sắp triển khai, đánh giá từ các đơn vị nghiên cứu, ĐBSCL sẽ kích hoạt các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển công nghiệp, logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương.

"Đây chính là cơ hội để thúc đẩy kinh tế vùng. Ở đây chúng ta nói về các thế mạnh của vùng, nhưng bên cạnh đó chúng ta thấy việc giao thương, kinh doanh mua bán sẽ tăng tần suất ở việc chúng ta giao dịch với các đối tác nước ngoài", Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận đầu tư Savills Việt Nam, đánh giá.

Giới chuyên gia nhận định, với lợi thế có nhiều quỹ đất, cùng chính sách, cơ chế ưu đãi của các địa phương là điểm cộng trong mắt nhà đầu tư. Tuy nhiên hầu hết các khu công nghiệp được phát triển bởi chủ đầu tư trong nước. Các cụm, khu công nghiệp phân bổ chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở các tỉnh giáp ranh TP Hồ Chí Minh. Do đó, kết nối vùng sẽ làm giá trị các dự án bất động sản công nghiệp nhiều địa phương được gia tăng.

"Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đầu tư các tuyến cao tốc tại ĐBSCL. Đây là kế hoạch rất đúng đắn. Tôi tin rằng khi tăng liên kết vùng, không chỉ các ngành sản xuất công nghiệp được hưởng lợi, mà hoạt động chăn nuôi, trồng trọt và du lịch sinh thái cũng có cơ hội phát triển", ông David Jackson, Tổng Giám Đốc Avison Young Việt Nam, nhận định.

Với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được triển khai, đây sẽ là cơ sở để ĐBSCL có thể phát huy lợi thế, khai phá tiềm năng, phát huy nguồn lực để đạt tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Gỡ nút thắt để ĐBSCL phát triển Gỡ nút thắt để ĐBSCL phát triển

VTV.vn - ĐBSCL hiện chỉ đóng góp 12% GDP của cả nước. Trong khi 2 thập niên trước, khu vực này đóng góp đến 16%. Vì sao vựa lúa, trái cây và thủy sản của Việt Nam đang đi chậm lại?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước