Theo thống kê, rau quả là lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 4 tháng đầu năm nay, 82% giá trị xuất khẩu là từ quả thanh long. Với quả thanh long, 91% sản lượng là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Những cuộc giải cứu nông sản gần đây đối với lợn, dưa hấu, chuối cũng đã cho thấy mức độ phụ thuộc vào một thị trường của Việt Nam.
Chiều nay (26/5), trong nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản, Bộ NN&PTNT đã có cuộc gặp gỡ và làm việc với 34 trưởng các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2017 - 2020.
Mở đầu cuộc gặp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng trong thời kỳ hội nhập, nông nghiệp Việt Nam đã có bước tiến lớn về sản xuất nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn trong công tác thị trường, ứng phó với sự cạnh tranh của các nền sản xuất tiên tiến trên thế giới. Vì vậy, công tác đối ngoại trong lĩnh vực nông nghiệp là hết sức quan trọng nhằm nhận định, nghiên cứu kỹ thị trường để tham mưu, định hướng cho sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp phát triển, hướng tới xuất khẩu.
Câu chuyện xúc tiến thương mại của Đại sứ Dương Chí Dũng tại Geneva, Thụy Sĩ được Bộ trưởng nêu như là một ví dụ tiêu biểu. Trong tháng 5 vừa qua, đại sứ Dương Chí Dũng đã hỗ trợ Tập đoàn thực phẩm Nghệ An Nafoods kết nối với một công ty chuyên nhập khẩu trái cây để đưa mặt hàng chanh leo vào thị trường Thụy Sĩ. Dự kiến, lô hàng đầu tiên sẽ được xuất khẩu trong tháng 6/2017.
Hiện nay, với giá thành sản xuất khoảng 45.000 đồng/kg, nếu xuất khẩu thành công, giá phân phối chanh leo tại Pháp và Thụy Sĩ là 12 Euro/kg. Những nỗ lực của Đại sứ Dương Chí Dũng đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, hiện nay, ngoại giao kinh tế được xem là một trụ cột của ngành ngoại giao. Vì vậy, các trưởng đại diện cần phải hết sức chú trọng nhiệm vụ này.
Bộ Ngoại giao cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cung cấp thông tin kỹ hơn về các mặt hàng trọng điểm và thị trường trọng điểm, thậm chí có cơ chế đặt hàng với các đại sứ về những việc cần làm để giúp xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu nông sản.
Sau quả xoài Sơn La đã tìm được thị trường xuất khẩu mới là Australia, quả vải sớm ở Bắc Giang hiện đang bước vào cao điểm thu hoạch cũng đã có những chuyển động tìm kiếm thị trường mới. Câu chuyện cho thấy bên cạnh nỗ lực về ngoại giao, ý thức chủ động của mỗi nông dân, mỗi địa phương sẽ là cơ sở quan trọng để nông sản chủ lực có thể vươn xa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!