Theo đó, MOEF sẽ nâng mức cơ sở miễn thuế quà tặng lên khoảng 100 triệu Won (77.579 USD) từ mức 50 triệu Won hiện tại.
Như vậy, chính sách này được kỳ vọng sẽ không chỉ khuyến khích kết hôn và tăng tỷ lệ sinh, mà còn tạo điều kiện chuyển giao tài sản kế thừa của cha mẹ sang thế hệ trẻ. Bởi theo các chuyên gia kinh tế, thuế thừa kế, hay quà tặng đang là một trong những rào cản kìm hãm tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc.
Hệ thống thuế của Hàn Quốc bị chỉ trích là lỗi thời khi mức thuế thừa kế và trao tặng có thể tăng lên mức tối đa 50%, cao thứ 2 thế giới. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với mức trung bình của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hay cả các quốc gia G5.
Mức thuế cao "chót vót", không thay đổi trong 23 năm qua, khiến không chỉ các chaebol, mà cả các gia đình bình thường cũng "ngần ngại" chuyển giao tài sản của họ sang thế hệ trẻ. Điều này đang gây ra hệ lụy không nhỏ với kinh tế Hàn Quốc.
Thuế thừa kế, hay quà tặng đang là một trong những rào cản kìm hãm tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)
Cơ quan tư vấn chính sách Viện nghiên cứu Seoul dự đoán các cá nhân từ 60 tuổi trở lên nắm giữ khoảng 46% tổng tài sản ròng ở Hàn Quốc tính đến năm 2021. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng trung bình của những người trên 65 tuổi đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 66,6% trong quý II năm 2022. Điều này cũng khá dễ hiểu khi những người lớn tuổi, đặc biệt là những người ở độ tuổi 50 và 60 có con đã "ổn định cuộc sống gia đình" thường sẽ không có quá nhiều nhu cầu chi tiêu nhiều.
Do vậy, việc chuyển giao của cải cho những người trẻ tuổi, những người có như cầu và sẵn sàng chi tiêu nên được coi là một sáng kiến chính sách lớn.
"Nền kinh tế chỉ có thể hồi sinh khi tài sản do người cao tuổi nắm giữ dễ dàng được chuyển giao cho thế hệ trẻ, những người sẵn sàng tiêu dùng và tái tạo thu nhập. Cải cách thuế thừa kế và quà tặng cần được nhìn từ góc độ tăng trưởng của cả xã hội", ông Kang Namkyu, Đối tác quản lý của GAON Law Group, nhận định.
Chưa kể, hàng rào thuế cũng đóng vai trò là một yếu tố đe dọa quyền quản lý doanh nghiệp. Theo Bộ Kinh tế và Tài chính, trong số các công ty tồn tại lâu năm, với lịch sử hơn 50 năm tại Hàn Quốc, 49% chủ sở hữu đều trên 60 tuổi. Việc kích hoạt giảm trừ thuế thừa kế đối với các doanh nghiệp gia đình có thể tạo điều kiện cho sự kế thừa thành công trong một doanh nghiệp.
Các chuyên gia còn cho rằng Hàn Quốc nên đẩy nhanh việc chuyển giao tài sản, thậm chí nên mạnh mẽ hơn cả Nhật Bản, quốc gia đã và đang thực hiện các chính sách thúc đẩy phân phối của cải.
"Khả năng cao là Hàn Quốc có thể đi theo bước chân của Nhật Bản về tác động kinh tế của dân số già. Tuy nhiên, một mối quan tâm lớn là tốc độ lão hóa ở Hàn Quốc nhanh hơn ở Nhật Bản và tỷ lệ sinh thấp đáng báo động", ông Rhee Chang-Yong, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, cho biết.
Năm 2022, chính phủ Hàn Quốc đã sửa đổi luật thuế để mở rộng tiêu chí cho các công ty cỡ vừa, đủ điều kiện khấu trừ khoản thừa kế doanh nghiệp gia đình lên khoảng 1.000 tỷ Won doanh thu từ 400 tỷ Won, nhưng cuối cùng con số thực tế chỉ dừng lại ở mức 500 tỷ Won, bằng một nửa so với đề xuất, vì cho rằng đó có thể chỉ mang đến lợi ích "cắt giảm thuế cho người giàu".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!