Ông Park Ki-mook, một nhân viên văn phòng ngoài 40 tuổi sống một mình, giải thích rằng ông thường chọn mua dưa hấu ở các chuỗi cửa hàng giảm giá bất cứ khi nào thèm trái cây tươi mùa hè vì có thể mua được những khẩu phần dưa hấu ngày càng nhỏ hơn theo từng năm.
Ông Park cho biết: "Tôi đã phải mua cả một quả dưa hấu khi bắt đầu sống một mình vào giữa những năm 2000, nhưng theo thời gian, các cửa hàng đã cắt đôi, rồi cắt tư và thậm chí thành tám lát bằng nhau để bán". Ông nói thêm: "Tôi coi chiến lược bán hàng như vậy là hoàn toàn phù hợp với những hộ gia đình chỉ có một người vì chúng tôi có thể chọn đúng kích cỡ cho món tráng miệng, thay vì mua cả một quả dưa hấu rồi phải chứng kiến phần lớn dưa hấu thối rữa trong tủ lạnh".
Ông Park đại diện cho một bộ phận hộ gia đình một người đang phát triển nhanh chóng ở Hàn Quốc, góp phần làm tăng nhu cầu về hàng tạp hóa và thực phẩm được bán theo khẩu phần nhỏ hơn trong những năm gần đây.
Các công ty bán lẻ đang phải chia nhỏ các mặt hàng tạp hóa và thực phẩm mà họ bán
Theo Cục Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT), nước này gia tăng liên tục số lượng hộ gia đình một người kể từ năm 2015 khi chiếm 27,2% tổng số gia đình. Tỷ lệ này vượt quá 30% lần đầu tiên vào năm 2019, tăng lên 31,7% vào năm 2020 và đạt mức cao kỷ lục là 34,5% vào năm 2023. Sự gia tăng này diễn ra trong bối cảnh nhân khẩu học đang thay đổi, với ít người kết hôn hơn và nhiều người sống lâu hơn. KOSTAT lưu ý "Xu hướng này có khả năng sẽ tăng tốc", đồng thời chỉ ra rằng những người ở độ tuổi 20 chiếm tỷ lệ lớn nhất là 19,2% trong số tất cả các hộ gia đình một người vào năm 2023, tiếp theo là những người ở độ tuổi 70 với 18,6% và những người ở độ tuổi 30 với 17,3%.
Trong hoàn cảnh này, các công ty bán lẻ đang phải chia nhỏ các mặt hàng tạp hóa và thực phẩm mà họ bán, bao gồm thịt, gạo, trái cây, rau củ, thậm chí cả pizza. Lotte Mart, một chuỗi cửa hàng giảm giá, cho biết doanh số bán các gói táo thái lát, mỗi gói nặng 150 gram, đã tăng 70 phần trăm vào năm 2023 so với một năm trước khi họ giới thiệu sản phẩm này.
Báo cáo cũng cho biết doanh số bán dưa hấu theo từng phần nhỏ, theo từng lát hoặc nguyên miếng, từ ngày 1/5 đến ngày 11/6 năm nay đã tăng gấp 5 lần so với năm 2023.
Việc giảm lượng hàng tạp hóa và thực phẩm cũng dễ nhận thấy tại các cửa hàng tiện lợi, nơi thường được những người từ hộ gia đình một hoặc hai người lui tới. GS25, thương hiệu cửa hàng tiện lợi số 1 cả nước, cho biết doanh số bán cốc đựng salad trái cây của họ đã tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Sáu.
Ngoài ra, công ty cho biết doanh số bán các món ăn kèm Hàn Quốc được bán theo gói nhỏ đã tăng 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!