Giải ngân vốn đầu tư công được cho là một trong những trụ cột để nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022, trong đó đầu tư công tại các dự án trọng điểm quốc gia sẽ là vốn mồi dẫn dắt thu hút nguồn vốn của cả khu vực kinh tế khác và toàn xã hội. Khi nền kinh tế đang đẩy mạnh phục hồi sau đại dịch, điều này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Chính vì vậy, trước sự trì trệ này, thời gian qua 6 tổ công tác do Thủ tướng Phạm Minh Chính thành lập đã tích cực kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân tại nhiều địa phương, bộ ngành.
17 bộ, ngành, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công được cho là một trong những trụ cột để nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo thống kê, 5 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt khoảng 22% so với kế hoạch. Đặc biệt, tính đến hết tháng 4, 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân được đồng nào. Báo Hải quan phân tích, điều này có nghĩa là hàng chục nghìn tỷ đồng vẫn nằm yên, rải rác trong kho của hàng chục cơ quan bộ, ngành cả trung ương và địa phương mà không tiêu được, không trở thành động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Hiện có nhiều nút thắt trong công tác giải ngân, như thủ tục rườm rà, tâm lý sợ trách nhiệm, sợ xung đột về giá trong thực hiện giải phóng mặt bằng hay năng lực thi công của nhà thầu.
Là người đã từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong kỳ họp Quốc hội gần đây về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, đoàn Quảng Nam, cho rằng yếu tố chủ quan chủ yếu là do con người. Khâu tổ chức thực hiện là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm trên. Nhìn nhận thực tế, có những nơi người đứng đầu lo ngại trách nhiệm, trình độ năng lực của bộ phận tham mưu còn hạn chế nên không dám quyết và chịu trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Cũng theo đại biểu Tạ Văn Hạ, thận trọng là cần thiết nhưng phải kịp tiến độ, đòi hỏi yêu cầu năng lực, trình độ, sự quyết đoán của người lãnh đạo.
Thiếu cơ chế xử lý trách nhiệm đủ mạnh
Ở không ít địa phương, đơn vị, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa được xử lý rốt ráo, chưa đến nơi đến chốn.
Tờ Đại biểu Nhân dân cho rằng, chỉ rõ bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công là cần thiết, nhưng điều này là chưa đủ nếu chúng ta vẫn thiếu cơ chế xử lý trách nhiệm đủ mạnh để răn đe đối với các cá nhân cơ quan đơn vị để xảy ra tình trạng này. Trách nhiệm cứ nhắc nhở chung chung xử lý không đến nơi đến chốn thì e rằng tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn tiếp diễn.
Quy trách nhiệm cụ thể trong việc chậm trễ
Trên báo Hải quan, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng để thúc đẩy đầu tư công hiệu quả, nhanh chóng, nhà nước cần thanh tra, kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt nghiêm những cá nhân tổ chức gây đình trệ chậm giải ngân.
Với một căn bệnh trầm kha kéo dài nhiều năm, liều thuốc đủ mạnh mới có thể tạo ra chuyển biến tích cực.
Hiện có nhiều nút thắt trong công tác giải ngân, như thủ tục rườm rà, tâm lý sợ trách nhiệm... (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Vừa qua, Quốc hội đã đồng ý tăng bội chi ngân sách nhà nước trong năm 2022 và 2023 với khoảng 240.000 tỷ đồng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Hơn lúc nào hết, người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang chờ đợi các dự án đầu tư giải ngân nhằm đưa tăng trưởng kinh tế trở lại mức 6 - 6,5% như mục tiêu đề ra.
Báo Thanh niên bình luận, có lẽ đã đến lúc cần có biện pháp mạnh để giúp các cơ quan bộ ngành địa phương nhận thức đầy đủ rằng có tiền mà không tiêu, hoặc thậm chí không dám tiêu không chỉ là sự lãng phí, mà còn có lỗi với chức trách được giao, có lỗi với những đồng tiền thuế của dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!