Tuy nhiên, nguồn gốc của các sản phẩm này từ đâu và trách nhiệm quản lý của các sàn thương mại điện tử đang là dấu hỏi lớn đặt ra.
Theo bài báo trên Vietnamnet, hiện tượng các chợ điện tử "có tiếng" công khai bán hàng giả, hàng nhái hiện đang rất phổ biến. Người bán thoải mái thừa nhận sản phẩm hàng nhái fake 1, fake 2 các thương hiệu cao cấp, với giá chỉ vài trăm nghìn đồng.
Bài báo trích lời bà Nguyễn Như Quỳnh, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Nhiều trang thương mại điện tử hàng đầu của Việt Nam rao bán hàng nhái đã vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ".
Theo quy định Bộ Công Thương ban hành từ năm 2014, chủ sàn giao dịch thương mại điện tử hay website bán hàng phải có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Tuy nhiên, trên thực tế, các chợ điện tử này đều cố gắng chứng mình mình "vô can". Lazada cho rằng họ không phải nhà sản xuất nên những nhận xét hiển thị trên website là ý kiến cá nhân của khách hàng, không phải phát ngôn chính thức từ Lazada. Lazada sẽ không can thiệp về chính sách giá của nhà bán hàng nếu có phát sinh tranh chấp. Còn theo quy định của Shopee, người bán sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật nếu cố tình đăng tải các nội dung mà pháp luật Việt Nam không cho phép.
Trong một bài viết trên tờ Thanh niên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cảnh báo, hàng giả ngập chợ điện tử là vấn đề cực kỳ đáng lo ngại. Thế giới tiêu dùng nhanh cũng đang "đồng lõa" với hành vi này bằng việc nhấp chuột và đặt mua các mặt hàng hiệu giá rẻ trên các trang thương mại điện tử.
Dung túng cho nạn hàng giả, hàng nhái hoành hành trên các trang bán hàng online là đồng nghĩa với việc chúng ta đang "giết" hàng thật, trong đó có hàng Việt.
Trước thực trạng hiện nay, bài báo trên Vietnamnet cho biết, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo thông tư quy định về quản lý website thương mại điện tử ứng dụng trên thiết bị di động nhằm khắc phục những điểm hạn chế trong quản lý, đồng thời đưa hoạt động kinh doanh trực tuyến vào khuôn khổ. Bộ Công Thương sẽ bêu tên các website bán hàng vi phạm.
Trước khi có quy định cụ thể, theo các chuyên gia, người tiêu dùng dù mua trên sàn thương mại điện tử nào, dù hàng đó là nhà bán hàng nào phụ trách, trách nhiệm cao nhất vẫn nằm ở các đơn vị quản lý sàn. Nếu như không đảm bảo được chất lượng sản phẩm và dịch vụ của các nhà bán hàng trên sàn, các sàn phải có trách nhiệm xử lý triệt để những tình huống người tiêu dùng gặp phải. Vì sàn thương mại điện tử có tồn tại được hay không, người tiêu dùng chính là người quyết định.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!