Máy bay của JAL. (Ảnh: Getty Images)
Tại Nhật Bản, hãng hàng không Japan Airlines (JAL) thông báo dự tính sẽ lỗ hơn 3 tỷ USD trong năm nay. Đây là lần đầu tiên hãng báo lỗ kể từ khi trở lại sàn chứng khoán vào năm 2012.
JAL tuyên bố sẽ ngừng tuyển dụng nhân sự trong năm tới, thực hiện thêm các biện pháp nhằm cắt giảm chi phí, trong đó có việc giảm bớt 30 máy bay chở khách và cắt giảm 50% lương của các cán bộ cấp quản lý.
Hồi đầu tuần này, hãng hàng không hàng đầu Nhật Bản ANA cũng dự tính mức lỗ ròng kỷ lục lên tới 4,87 tỷ USD trong tài khóa 2020. Hãng này cũng dự định cắt giảm 3.500 việc làm
Trong khi đó, hãng hàng Singapore Airlines ghi nhận năm thua lỗ đầu tiên trong lịch sử 48 năm. Trong 6 tháng đầu năm, Singapore Airlines báo lỗ 1,35 tỷ USD.
Tại châu Âu, tập đoàn IAG, chủ sở hữu của các hãng hàng không British Airways (Anh) và Iberia (Tây Ban Nha), thông báo lỗ ròng 2,1 tỷ USD trong quý III do tác động của đại dịch.
Hàng không Air France-KLM của Pháp thua lỗ nặng nề trong quý III. (Ảnh: Bloomberg)
Tính từ đầu năm tới nay, IAG đã thua lỗ 5,6 tỷ Euro. Dù nối lại các chuyến bay trong mùa Hè vừa qua sau khi các quốc gia dỡ bỏ lệnh phong tỏa, nhưng hãng chỉ hoạt động cầm chừng với số lượng các dịch vụ cung cấp giảm mạnh. IAG kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới tăng cường xét nghiệm trước chuyến bay để đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý khách hàng.
Tương tự, hàng không Air France-KLM của Pháp thua lỗ nặng nề trong quý III, khoảng 1,9 tỷ USD, đồng thời dự báo tình trạng này sẽ tiếp tục là thách thức lớn trong quý IV.
Air France-KLM đã trải qua giai đoạn "phục hồi tích cực" cho đến giữa tháng 8, sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ hồi đầu năm. Tuy nhiên, số lượng hành khách giảm mạnh đã khiến hãng này phải giảm số lượng các chuyến bay trong quý III và quý IV.
Hãng Air France-KLM cho biết khả năng phục hồi là rất hạn chế, vì khách hàng dần thay đổi thói quen đặt vé do còn phụ thuộc vào các lệnh cấm đi lại.
Không chỉ riêng các hàng hãng không đồng loạt báo lỗ, mới đây, Cơ quan Quản lý các sân bay châu Âu cảnh báo, gần 200 sân bay ở châu Âu sẽ phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ trong những tháng tới, nếu lưu lượng hành khách không thể phục hồi ngay từ cuối năm nay.
Hàng không Nhật Bản tái cơ cấu để tồn tại VTV.vn - Các hãng hàng không Nhật Bản đã bắt đầu công bố chính sách tái cơ cấu nhằm đối phó với dịch COVID-19, khi nhận định tình hình sẽ tiếp tục khó khăn trong vòng 2 năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!