Mới đây, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã có văn bản xin thành lập hãng bay riêng chuyên chở hàng hóa (cargo). Trước đó, Bamboo Airways cũng thể hiện tham vọng ở thị trường này, khi xây dựng bộ tiêu chuẩn vận chuyển hàng hóa, phát triển các đường bay chở hàng định kỳ như tuyến Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc).
Theo Hiệp hội hàng không thế giới IATA, giữa bối cảnh đại dịch, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tăng 12%. Còn tại Việt Nam, 80% thị phần vận tải hàng không đang do các hãng nước ngoài thực hiện.
Cơ hội là rất lớn, tuy nhiên các hãng bay Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh không hề nhỏ. Tờ Nhịp cầu đầu tư phân tích, hệ thống logistics của Việt Nam chưa phát triển, công nghệ đi chậm hơn so với thế giới 20 năm.
Hiện thị trường vận chuyển hàng không (Air cargo) do các doanh nghiệp ngoại thống lĩnh. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Bên cạnh đó, hàng về phải chuyển vòng qua nhiều cảng, thời gian nằm bãi lâu, đẩy chi phí lên cao và giảm chất lượng hàng hóa. Doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt với việc bị các hãng bay ngoại "siết" giá. Cuộc chơi sẽ là không dễ dàng.
Xây dựng 5.000 km đường cao tốc - cuộc cách mạng về hạ tầng giao thông: Khai phóng nguồn lực
Mục tiêu của Việt Nam là có 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030. Để hoàn thành mục tiêu đầy thách thức này, một trong những nguyên tắc đang được nghiên cứu là triển khai đường cao tốc đi qua địa phương nào, địa phương đó phải chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn tự có, ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ một phần.
Góc nhìn trên tờ Đầu tư cho rằng, rào cản lớn nhất đối với các địa phương chính là việc tạo nguồn ngân sách phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Với một tuyến cao tốc có chiều dài trung bình 50 km, chi phí giải phóng mặt bằng bình quân lên tới 1.800 tỷ đồng.
Về lý thuyết, các địa phương có thể phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn. Tuy nhiên, hiện giới hạn về mức dư nợ vay ngân sách không cho phép các địa phương mạnh tay thực hiện việc này. UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và toàn bộ dư nợ của việc phát hành trái phiếu này không tính vào giới hạn dư nợ ngân sách địa phương.
Cho phép xây dựng căn hộ tối thiểu 25m2: Hiện thực hóa giấc mơ "căn gác nhỏ"?
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 03/2021 quy định tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, cho phép xây dựng căn hộ với diện tích từ 25m2 trở lên. Mô hình này sẽ hiện thực hóa giấc mơ "căn gác nhỏ" của không ít người dân.
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 03/2021 quy định tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, cho phép xây dựng căn hộ với diện tích từ 25m2 trở lên. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Với căn hộ 25m2, nếu giá bán tương đương với mặt bằng giá chung cư tại TP Hồ Chí Minh hiện nay vào khoảng 40 triệu đồng/m2, thì một căn hộ cũng có giá khoảng 1 tỷ đồng - mức giá phù hợp với thu nhập của nhiều lao động phổ thông. Còn dưới góc độ doanh nghiệp, đây là cơ hội cho các chủ đầu tư linh hoạt cơ cấu sản phẩm, mở rộng tệp khách hàng.
Tuy nhiên, tờ Đầu tư chứng khoán cho rằng, để tránh tình trạng gia tăng dân số, gây áp lực lên hạ tầng xã hội, cũng cần có những quy định cụ thể hơn.
Ví dụ như, chỉ những khu vực vùng ven và nơi có giao thông thuận tiện thì mới được phép phát triển dự án căn hộ nhỏ. Thậm chí, ở những khu vực này có thể nâng tỷ lệ được xây căn hộ diện tích 25 m2 lên 100%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!