Dọc theo đường Lý Tự Trọng (quận 1) - một trong những tuyến đường tập trung khách sạn quy mô 3 - 4 sao nhiều nhất khu vực trung tâm - xuất hiện nhiều khách sạn rao bán với giá từ 200 - 950 tỷ đồng.
Không chỉ khách sạn có quy mô lớn, mà ngay cả những tuyến đường tập trung nhiều khách sạn tầm trung như Bùi Thị Xuân, Phạm Ngũ Lão… cũng đang trạng thái tìm chủ mới với giá khởi điểm từ 150 - 400 tỷ đồng.
Theo một trang mua bán bất động sản, trong quý II, nhu cầu bán và sang nhượng khách sạn tăng tới 63% so với quý I.
Nhiều khách sạn đất vàng trung tâm TP.HCM đang rao bán. Ảnh minh họa.
Thống kê của Savills Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy phân khúc khách sạn tại TP.HCM trong quý II chỉ ở mức 12%, còn giá phòng giảm trung bình 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những yếu tố khiến việc kinh doanh dịch vụ lưu trú không còn hấp dẫn.
Lượng rao bán tăng mạnh nhưng nhu cầu mua lại rất ít. Để bán được, nhiều chủ khách sạn phải chấp nhận bán rẻ, giảm từ 20 - 25% so với đầu năm. Đại diện Savills đánh giá, đây lại là thời điểm dành cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, sẵn nguồn tiền mặt.
Giới chuyên gia cũng dự báo, lĩnh vực khách sạn, lưu trú có khả năng sẽ đóng băng đến hết năm nay, lượng khách sạn chủ đầu tư đi vay ngân hàng sẽ tiếp tục được rao bán nhiều hơn.
Tuy nhiên, ngành du lịch là một trong những lĩnh vực có khả năng phục hồi nhanh, vì vậy nếu dịch được khống chế đây là thị trường tăng trưởng mạnh nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!