Cây quế là cây trồng chủ lực giảm nghèo ở nhiều địa phương. Từ năm 2021, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế. Năm 2023, Việt Nam chiếm khoảng 34,4% thị phần thương mại quế toàn cầu, với các thị trường tiêu thụ chính là Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Mỹ...
Bên cạnh tạo ra nhiều sản phẩm trong quá trình sản xuất thì tinh dầu quế cũng là một trong những sản phẩm tận thu từ quá trình trồng trọt. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay, hàng trăm tấn tinh dầu quế đã không thể xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, vùng nguyên liệu 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái hiện đang tồn kho khoảng 100 tấn tinh dầu quế. Ước tính hết vụ quế mùa xuân, tức hết 4 năm nay sẽ tồn kho thêm khoảng 400 tấn. Với giá trị thị trường khoảng 400 triệu đồng/tấn, như vậy sẽ có khoảng 200 tỷ giá trị tinh dầu quế đang tắc nghẽn không xuất khẩu được.
Vướng mắc trong xuất khẩu tinh dầu quế
Tinh dầu quế chủ yếu được ép từ lá, thân cành nhỏ khi bà con cắt tỉa hàng năm để cho cây lớn. Đây là sản phẩm phụ thu đi kèm, không đủ điều kiện làm nhóm đầu vào của ngành dược. Thế nhưng, các doanh nghiệp lại phải tuân thủ theo quy định xuất khẩu dược liệu. Đây chính là vướng mắc khiến ngành sản xuất tinh dầu quế đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động.
Công ty Quế Thái Tuấn cho biết có khoảng 3 tấn tinh dầu không xuất khẩu được đã nằm kho 5 tháng. Tình cảnh này đang diễn ra với vùng sản xuất quế lớn nhất trong cả nước là Lào Cai và Yên Bái.
Ông Nguyễn Bình Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty Quế Thái Tuấn cho biết: "Sản xuất tinh dầu quế lợi nhuận khoảng 5% nhưng quy định theo Thông tư 48 phải thuê dược sĩ, phải có kho thì không còn lãi nữa".
Còn Công ty TNHH MTV Triều Dương hiện đã giảm một nửa công suất hoạt động do tồn kho 30 tấn tinh dầu quế. Giải thích về lý do không thể tuân thủ quy định về sản xuất dược liệu theo Thông tư 48 của Bộ Y tế, doanh nghiệp cho biết, đầu tư để đáp ứng về cơ sở vật chất sản xuất dược liệu là rất lớn, doanh nghiệp không thể thực hiện được vì chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ.
Có khoảng 200 tỷ giá trị tinh dầu quế đang tắc nghẽn không xuất khẩu được. Ảnh minh họa.
Không xuất khẩu được doanh nghiệp không thể thu mua khiến hàng tấn nguyên liệu của người dân cũng đang rã nát. Vườn quế trên 1 ha của gia đình chị Khé (huyện Văn Bàn, Lào Cai) đến kỳ thu hái, gia đình cũng rất lo lắng không bán được ảnh hưởng đến thu nhập.
"Năm thứ 5 - 6 chúng tôi bắt buộc phải tỉa lá để cho cây cao, nên mong muốn các doanh nghiệp sẽ thu mua với giá cao hơn. Doanh nghiệp không thu mua hoặc thu mua thấp sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống kinh tế của chúng tôi", chị Khé chia sẻ.
Cành lá quế dù chỉ đem lại 20% thu nhập từ cây quế cho bà con nông dân, tuy nhiên đây lại là nguồn thu thường xuyên và ổn định, do đó cần tháo gỡ để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng tinh dầu quế, để doanh nghiệp tiếp tục thu mua cành lá cho bà con.
Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu tinh dầu quế
Trên thế giới hiện có hơn 80% cây gia vị dùng cho mục đích làm thực phẩm. Chỉ 20% đi vào dòng cao cấp hơn là mỹ phẩm, dược phẩm hoặc các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhưng công nghệ của Việt Nam hầu như chưa đạt đến trình độ này, nên hầu hết tinh dầu xuất khẩu với mục đích làm thực phẩm. Vì vậy, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam kiến nghị xếp tinh dầu quế là nhóm thực phẩm xuất khẩu thông thường.
Theo ngành nông nghiệp, xuất khẩu tinh dầu quế Việt Nam hiện chủ yếu ở dạng thô, tức mới chưng cất lần 1 và sản phẩm này khi xuất sang nước ngoài lại tiếp tục được chiết xuất để sử dụng vào nhiều mục đích, trong đó các mục đích chính để làm thực phẩm, hương liệu... Do đó việc áp cho một mã duy nhất là mã về dược liệu là khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xuất khẩu tinh dầu quế.
Ông Nguyễn Quang Vĩnh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai nêu ý kiến: "Kiến nghị với Tổng cục Hải quan cho phép doanh nghiệp kê khai sản phẩm tinh dầu theo mục đích xuất khẩu và đề nghị Bộ Y tế sửa đổi Thông tư 48 theo hướng đưa sản phẩm tinh dầu quế ra khỏi danh mục dược liệu".
Trước đó, mặt hàng hồ tiêu cũng vướng mắc như vậy khi nằm trong danh mục sản phẩm dược liệu. Tuy nhiên, sau khi kiến nghị Bộ Y tế đã sửa đổi Thông tư đưa mặt hàng hồ tiêu, quế chi, quế nhục ra khỏi danh mục các sản phẩm dược liệu thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế. Do đó, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam kiến nghị Bộ Y tế xem xét đưa mặt hàng tinh dầu quế ra khỏi danh mục các sản phẩm dược liệu thuộc quản lý chuyên ngành, tương tự như tình huống của mặt hàng hồ tiêu.
Không chỉ tinh dầu quế, với cơ chế hiện nay, trong tương lai nếu xuất khẩu các sản phẩm tinh dầu có chiết xuất từ cây gia vị như cây chanh, cây gừng, cây tiêu… thì đều là nhóm tinh dầu và phải thực hiện theo quy định của luật dược. Với những vấn đề vướng mắc, chồng lấn về mặt quản lý nhà nước rất cần xem xét rà soát và điều chỉnh để các ngành sản xuất có thể được tiếp tục.
Mới đây nhất, Bộ Y tế đã có công văn ngày 7/4 đề nghị Tổng cục Hải quan tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu quế theo đúng quy định. Để tháo gỡ triệt để cho doanh nghiệp sẽ cần đưa một số mặt hàng trong đó có mặt hàng tinh dầu quế ra khỏi danh mục dược liệu mà có thể sử dụng cho nhiều mục đích như thực phẩm, gia vị... để cơ quan hải quan có thể phối hợp thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!