Phát triển cây quế theo hướng hữu cơ
Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất quế đứng thứ 3 trên toàn thế giới, chỉ sau Indonesia và Trung Quốc. Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD.
Tuy nhiên để việc trồng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu có thể tăng trưởng bền vững và đáp ứng tiêu chuẩn tại các thị trường, đòi hỏi những quy hoạch ở tầm vĩ mô. Tại Lào Cai, một trong những địa phương có diện tích trồng quế lớn nhất cả nước, những vùng nguyên liệu sạch, sản xuất hữu cơ đang dần được hình thành, để nâng cao giá trị sản phẩm.
Chứng nhận "Hộ nông dân sinh thái" được cấp lại hàng năm là giấy thông hành và cũng minh chứng cho một phương thức sản xuất lâm nghiệp an toàn. Thay cho phun thuốc bảo vệ thực vật, người dân làm cỏ thủ công để tạo ra sản phẩm an toàn.
Phơi vỏ quế tươi trước khi đưa vào chế biến xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
Trong hơn 50.000 ha quế, hiện Lào Cai có khoảng 3.600 ha quế đạt chứng nhận hữu cơ, tập trung ở 2 huyện là Văn Bàn và Bắc Hà. Canh tác quế hữu cơ đã giúp nông dân có thu nhập cao hơn và cũng tạo cơ hội để vươn ra thị trường thế giới.
"Chúng tôi cũng đã nhập khẩu quế của Việt Nam lâu rồi. Bây giờ được đi xem, trực tiếp đánh giá sản phẩm quế của một số hợp tác xã, chúng tôi đã đưa ra yêu cầu riêng để họ sản xuất cho công ty", ông Pankaj Motiani, Công ty Krystal Impex của Ấn Độ, cho biết.
Với nhiều cơ chế trong thu hút doanh nghiệp, Lào Cai đang có 16 cơ sở sản xuất chế biến tinh dầu và các sản phẩm từ quế. Diện tích quế đạt chứng nhận hữu cơ tăng, doanh nghiệp chế biến hoạt động ổn định sẽ góp phần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất loại cây trồng chủ lực một cách bền vững trong giai đoạn tới.
"Bằng việc phát triển bền vững theo hướng canh tác hữu cơ, chúng ta sẽ cùng với các doanh nghiệp tìm kiếm được các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường khó tính như châu Âu hoặc Mỹ", ông Trịnh Xuân Trường,Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, cho hay.
Lào Cai phấn đấu ổn định khoảng 65.000 ha quế vào năm 2030, trong đó 1/3 diện tích được canh tác theo hướng hữu cơ. Đây là điều kiện để địa phương có thể phát triển bền vững loài cây dược liệu này.
Quế Việt chiếm lĩnh thị phần tại Canada
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu.
Ngoài Lào Cai, quế còn được trồng tập trung tại Yên Bái và Quảng Nam. Trữ lượng vỏ quế hàng năm ước khoảng 900.000 - 1,2 triệu tấn.
Sản phẩm quế Việt Nam được tiêu thụ ở rộng khắc các thị trường như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ… Đặc biệt trong năm vừa qua, mặt hàng quế đã có mức tăng đột biến tại thị trường Canada, khi tăng hơn 43% so với năm trước đó.
Hiện Canada là nước có mức tiêu dùng quế cao, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu lên tới 17,5% trong năm qua.
Với những ưu đãi Hiệp định CPTPP mang lại, các doanh nghiệp Canada đang ngày càng quan tâm và nhận biết tốt hơn về sản phẩm và năng lực sản xuất của Việt Nam. Với đà tăng trưởng mạnh như trên, quế Việt Nam có thể chiếm 50% thị phần quế tại Canada trong những năm tới.
Theo các chuyên gia, quế hồi không chỉ là gia vị, mà còn được sử dụng rất nhiều trong các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, được bổ sung vào cà phê, matcha và các đồ uống.
Đặc biệt, nhu cầu sử dụng tinh dầu quế trên thế giới luôn ở mức cung không đủ cầu. Thực tế này đã đẩy giá quế ngày càng tăng cao, nhất là từ năm 2016 đến nay.
Chọn lọc, phân loại quế khô trước khi đóng thùng xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng, nếu năm 2020 đạt hơn 245 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 274 triệu USD thì sang năm 2022, giá trị xuất khẩu quế hồi đạt 276 triệu USD.
Cơ hội gia tăng thị phần xuất khẩu quế
Các phân tích mới nhất cho thấy, trong vòng 10 năm tới, thị trường gia vị organic thế giới sẽ tăng trưởng ít nhất 4,6% mỗi năm và đạt tổng giá trị 15 tỷ USD. Riêng thị trường quế, từ nay tới 2025, trung bình tăng trưởng mỗi năm sẽ là 14%. Đây rõ ràng là cơ hội rất lớn cho Việt Nam khi quế là loại gia vị rất được yêu thích tại các nước.
Tuy nhiên trong 150.000 ha trồng quế cả nước, chỉ một số lượng nhỏ được công nhận hữu cơ. Vì vậy, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada cho rằng để nâng cao thị phần, cũng như giá trị sản phẩm quế, cần đầu tư hơn nữa về chất lượng, chế biến và mở rộng thị trường, thay vì chỉ tập trung vào xuất thô như hiện nay.
"Người Canada ngày càng ưa chuộng và sử dụng quế trong ẩm thực, chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt từ sau COVID-19, nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của quế trong tăng cường miễn dịch. CPTPP đã mang lại lợi thế về thuế quan giúp chúng ta vượt qua các đối thủ cạnh tranh như Indonesia, Ấn Độ. Để gia tăng thị phần và giá trị kim ngạch xuất khẩu, Hiệp hội Quế hồi Việt Nam cần có chiến lược xây dựng chỉ dẫn địa lý cho mặt hàng quế cassia của Việt Nam nhằm quảng bá và khẳng định lợi thế của quế cassia so với quế ceylon của Nam Á. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phối hợp với các ngành hàng khác để gia tăng giá trị chế biến sâu và đưa thêm vào thị trường sản phẩm mới như: mật ong hoa quế, nến thơm tinh dầu quế", bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada, thông tin.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!