Hàng trăm tỷ đồng đã bay ra khỏi túi tiền của những người nhẹ dạ

Quốc Lê-Chủ nhật, ngày 24/07/2022 12:24 GMT+7

VTV.vn - Gần đây, các nhóm tội phạm đã gia tăng chiêu thức giả mạo các cơ quan chức năng. Hàng trăm tỷ đồng tiếp tục bay ra khỏi túi tiền của những người nhẹ dạ.

Người dân bị lừa đảo, đánh cắp hàng trăm tỷ đồng

Gần đây, các nhóm tội phạm thậm chí gia tăng chiêu thức giả mạo các cơ quan chức năng. Quả thực là các nạn nhân rất khó đối phó khi mà nghe tới pháp lý, vi phạm phải nộp phạt là nhiều người rất sợ. Trên thực tế là các cơ quan công quyền, cơ quan công an sẽ không thực hiện công bố xử phạt qua điện thoại, không yêu cầu nộp tiền hay cung cấp thông tin qua hình thức này.

Bên cạnh các cơ quan chức năng, chính các ngân hàng, nơi giữ tiền của người dùng cũng gặp phải tình trạng trên. Mạo danh ngân hàng mời chào dịch vụ tài chính và yêu cầu nộp các khoản phí để chiếm đoạt. Mới đây, nhiều ngân hàng đã phải lên tiếng. Chẳng hạn, đại diện ngân hàng VPbank cho biết: "Các đối tượng hay sử dụng tin nhắn, email thông báo đến khách hàng và yêu cầu khách hàng có những khoản chi ngoài. Chúng tôi khẳng định là có quy trình phê duyệt tín dụng và cấp tín dụng rất chặt chẽ bảo đảm an toàn và không bao giờ có bất kỳ một yêu cầu thu khoản phí nào qua kênh này".

Thủ đoạn chiếm đoạt tiền của tội phạm

Kịch bản chiếm đoạt của nhóm lừa đảo nhiều khi chỉ diễn ra khoảng 30 phút.

Anh Lê Anh Tuấn, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, cho biết: "Khi bị phát hiện đối tượng lừa, chúng tôi lập tức liên hệ với ngân hàng. Ngân hàng đã yêu cầu chúng tôi phải có cơ quan công an mới vào cuộc được. Chúng tôi đã liên hệ bên cơ quan điều tra, bên an ninh, tuy nhiên, sự phối hợp giữa công an và ngân hàng phải mất thời gian rất nhiều".

Việc chuyển và rút tiền đều được tiến hành thông qua các tài khoản giả mạo với các thủ thuật như ăn cắp thông tin của người khác, làm giả chứng minh thư, để mở tài khoản ngân hàng.

Trung tá Lê Văn Dĩnh, Phó trưởng phòng 8, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, nói: "Về tài khoản cá nhân, cơ quan chúng tôi muốn phong tỏa thì phải thực hiện một số thủ tục nhất định, rất bất cập trong thời gian chờ đợi, khi bị hại chuyển tiền cho đôi tượng, đối tượng lại chuyện vào các tài khoản khác khi chúng tôi có văn bản đến nơi thì các đối tượng đã chuyển tiền đi".

Theo luật sư, để ngăn ngừa đấu tranh ngăn chặn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, cần phải phải có những điều chỉnh về các quy định để rút ngắn thời gian phối hợp, chẳng hạn như giao quyền nhiều hơn cho các ngân hàng trong những trường hợp nghi vấn.

Mới đây, lực lượng công an đã triệt phá ổ nhóm mua bán tài khoản ngân hàng. Cứ 400 ngàn đồng/tài khoản ngân hàng đăng ký chính chủ bởi các học sinh, sinh viên. Nhóm đối tượng này sẽ mua rồi bán lại cho bên thứ 3 sử dụng vào mục đích lừa đảo.

Không chỉ thu mua, các đối tượng còn làm giả chứng minh thư, căn cước để mở tài khoản ngân hàng rồi bán lại với giá 1 triệu/tài khoản. Với thủ đoạn này, các nhóm lừa đảo có thể sở hữu hàng trăm thậm chí hàng ngàn tài khoản khác nhau mà chẳng cần lộ diện. Vì vậy, sau khi chiếm đoạt tiền, chúng xoá dấu vết nguồn tiền bẩn thông qua các tài khoản này khiến việc xác minh, điều tra, phong toả và thu hồi của cơ quan chức năng là rất khó khăn.

Chương trình Dòng chảy tài chính phát sóng ngày 23/7 với khách mời là Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI sẽ trao đổi chi tiết về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước