Hàng Việt bị kiện nhiều hơn đi kiện

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 29/11/2018 10:22 GMT+7

VTV.vn - Số lượng các vụ hàng Việt bị kiện không chỉ gia tăng mà tính chất các vụ kiện cũng trở nên phức tạp hơn.

Phòng vệ thương mại là biện pháp để một quốc gia bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng nước ngoài. Thời gian gần đây, khi thế giới có dấu hiệu nổi lên chủ nghĩa bảo hộ thương mại cũng là lúc cần đánh giá xem khả năng đi kiện và bị kiện của Việt Nam đang ở mức độ nào. Theo thông tin trên tờ Thời báo kinh doanh, Việt Nam kiện 6 nhưng bị kiện tới 141 vụ.

Cụ thể, trong giai đoạn từ 2016 đến tháng 8/2018, Việt Nam đã áp dụng 6 biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước đối với phân bón DAP, bột ngọt và các sản phẩm thép. Những ngành này đóng góp khoảng 6,13% GDP và thuế phòng vệ thương mại góp phần tăng thu hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, tính đến tháng 10/2018, Bộ Công Thương cũng cho biết, đã có tới 18 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra 141 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam. Trong đó, Mỹ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất chiếm khoảng 1/5 số vụ và ngành hàng chịu ảnh hưởng nhất là thủy sản, sắt thép. Dĩ nhiên, thiệt hại là điều không thể tránh khỏi.

Nan giải nhất đó là không chỉ số lượng bị kiện gia tăng mà tính chất các vụ kiện cũng trở nên phức tạp hơn. Ví dụ như nếu trước kia chỉ có các mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn lo bị kiện, hiện nay cả những mặt hàng có kim ngạch nhỏ cũng rơi vào tầm ngắm. Ngoài ra, nếu trước kia chỉ có kiện đơn lẻ, nay các vụ kiện về phòng vệ thương mại lại đang có xu hướng mới là kiện chùm - kiện đồng thời nhiều nước hay kiện domino - nước này kiện được, nước khác cũng theo đó mà đi kiện hoặc kiện kép - đồng thời vừa kiện chống bán phá giá, vừa kiện chống trợ cấp.

Từ phía cơ quan lý Nhà nước, Bộ Công Thương cho biết sẽ thường xuyên cập nhật với doanh nghiệp về các xu hướng áp dụng phòng vệ thương mại để doanh nghiệp sớm tính kế hoạch ứng phó. Ở chiều ngược lại Bộ cũng sẽ nâng cấp Hệ thống cảnh báo sớm để giám sát thường xuyên hơn đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, nhất là với các mặt hàng có gia tăng đột biến, nhằm kịp thời đưa ra các biện pháp phòng vệ thương mại nếu cần thiết.

Còn về phía doanh nghiệp, dĩ nhiên cần tăng cường kiến thức pháp luật về phòng vệ thương mại rồi và xa hơn là phải đa dạng hóa thị trường, cải thiện chất lượng để đảm bảo rằng "Tôi không sợ bị kiện".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước