Hàng Việt xuất khẩu đáp ứng tiêu chuẩn xanh để tiến xa

Tố Uyên-Thứ năm, ngày 16/05/2024 08:42 GMT+7

Doanh nghiệp xuất khẩu cần chuyển đổi sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn xanh

VTV.vn - Một trong những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu của nước ta là hướng đến việc nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn xanh.

Thị trường ngày càng "khó tính"

Hàng Việt xuất khẩu đáp ứng tiêu chuẩn xanh để tiến xa - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp nông sản chuyển đổi mạnh mẽ để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu xanh

Hàng loạt tiêu chuẩn môi trường mới được EU áp dụng trong thời gian tới, như "Thỏa thuận Xanh" gồm một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi đạt được tăng trưởng kinh tế, mà cơ chế CBAM chỉ là một nội hàm trong đó.

Trao đổi với phóng viên VTVTimes, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục Trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương), các thị trường nhập khẩu trên thế giới ngày càng có xu hướng sử dụng nhiều chính sách bảo hộ dưới các hình thức khác nhau,. Hơn thế nữa, các thị trường phát triển cũng ngày càng quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và phát triển bền vững nên dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩucó thể kể đến dự luật chống phá rừng, hay Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU...

"Có thể thấy, xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ngày càng rõ nét. Đây cũng cói như như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Hiện nay, tại một số thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ…các lợi thế của hàng hóa Việt Nam đã phần nào bị ảnh hưởng trước yêu cầu phải đáp ứng được các quy định mới, nhất là tiêu chuẩn xanh như chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững...", ông Hải phân tích thêm.

Đơn cử như với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) không chỉ tác động trực tiếp tới 6 ngành công nghiệp, gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hiđro, mà sẽ gián tiếp tác động tới các ngành hàng tiêu thụ nhiều nguyên liệu và năng lượng.

Bên cạnh đó,  năm 2023, EU đã ban hành quy định chống phá rừng (EUDR), có hiệu lực từ cuối năm 2024 nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng. Các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ... tại EU phải chứng minh hàng hóa không liên quan đến hoạt động phá rừng hoặc góp phần làm suy thoái rừng. Điều đó khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Phải chủ động đáp ứng quy định

Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới "tính xanh" của chuỗi cung ứng.

Theo các chuyên gia, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với rất nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực cũng như nông sản, thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh. Nếu muốn làm ăn lâu dài với thị trường như EU thì doanh nghiệp nội cũng phải đáp ứng được những quy định của họ, đặc biệt là đáp ứng được những điều kiện xanh của thị trường khó tính này.

Chia sẻ về nội dung này, chuyên gia Nguyễn Hoa Cương cho rằng, việc đáp ứng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon-CBAM sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam không bị bỏ lại phía sau trong câu chuyện chuỗi giá trị mới và kinh tế xanh.

Trong bối cảnh năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, ngành Công thương có nhiều giải pháp lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Hàng Việt xuất khẩu đáp ứng tiêu chuẩn xanh để tiến xa - Ảnh 4.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần chuyển đổi sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn xanh

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), trong năm 2024, Bộ sẽ triển khai một loạt những chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho các ngành sản xuất, đặc biệt là với từng ngành có liên quan tới quy định của CBAM và những quy định liên quan đến tiêu chuẩn xanh của Đức và của EU.

Cụ thể, đối với xúc tiến xuất khẩu, Bộ Công thương sẽ phối hợp với hệ thống thương vụ Việt Nam và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp tốt nhất những quy định mới và hướng dẫn mới liên quan đến thỏa thuận xanh và kinh doanh có điều kiện cũng như kinh tế tuần hoàn cho các ngành sản xuất trong nước, để có thể đáp ứng được tốt nhất và hiệu quả nhất các quy định mới của các thị trường này.

Trên thực tế, Việt Nam là một trong các quốc gia có những cam kết mạnh mẽ về môi trường tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26), trong đó có cam kết tiên phong đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với Chuyển đổi Xanh và Chuyển đổi Số, với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Đây là nhiệm vụ vừa mang tính xu thế của thời đại, vừa hết sức cần thiết đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước