Tờ Handelsblad của Hà Lan với bài báo "Làm thế nào mà hầu hết các cuộc thăm dò đều sai" cho rằng đây là thất bại cay đắng của một ngành kinh doanh.
Tờ báo nhắc lại "các công ty kinh doanh trong lĩnh vực thăm dò dư luận trước đây đã cho rằng không thể có Brexit và nay lại khẳng định là ứng cử viên đảng Cộng hòa có rất ít cơ hội chiến thắng". Sau những gì đã xảy ra, theo bài báo, "không còn nhiều lý do để tin vào các cuộc thăm dò này nữa".
Ý định của đa số cử tri là một hàng hóa đặc biệt, là nguyên liệu cho giới truyền thông phân tích, bình luận, nhận định… trong mùa bầu cử. Nguyên liệu này có chất lượng quá thấp, làm cho báo chí cũng sai lạc theo. Theo tờ Thời báo Irlande, các phương pháp thăm dò này đã quá lỗi thời, "chủ yếu vẫn là cách gọi điện thoại ngẫu nhiên hay là tổ chức thăm dò qua mạng", chứ ít khi phỏng vấn trực tiếp, do vậy không đủ sức suy đoán ý định thực của đa số cử tri.
Trên thị trường, nhu cầu đoán biết ý định của một nhóm người là rất lớn. Tuần vừa qua, một công ty của Nam Phi đã nổi bật lên do liên tiếp dự báo đúng kết quả trưng cầu dân ý tại Anh trước đây và kết quả bầu cử tại Mỹ vừa qua.
Theo một bài báo, công ty này đã sử dụng một phương pháp khác, dùng một phần mềm máy tính thu thập các đoạn thảo luận trên mạng xã hội. Công ty này đã phát triển một thuật toán phân tích các nội dung thu được, từ đó suy đoán được cảm xúc và ý định của người dùng. Khi cuộc bầu cử tại Mỹ đã ngã ngũ, trong tuần vừa qua, công ty Uber, nhiều ngân hàng, nhiều công ty viễn thông và một số tổ chức chính phủ đã ký hợp đồng mua dịch vụ thăm dò của công ty này.
Phía truyền thông cũng mất uy tín ít nhiều sau cuộc bầu cử Mỹ vừa qua do bị cuốn theo kết quả sai lệch của các thăm dò dư luận. Tờ Libération của Pháp viết: "Thăm dò dư luận là một loại ma túy, ma túy nặng. Bị lệ thuộc vào nó là các chính trị gia và các phóng viên".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!