Hé lộ ngành có mức tăng lương, thưởng cao nhất năm 2022

Theo Dân trí-Thứ sáu, ngày 07/10/2022 17:56 GMT+7

VTV.vn - Một kết quả khảo sát lương, thưởng năm 2022 cho thấy công nghệ cao, bảo hiểm và dược phẩm là 3 ngành có mức tăng lương cao nhất trong năm nay.

Nhu cầu tuyển dụng có dấu hiệu khả quan

Khảo sát lương, thưởng năm 2022 của Talentnet-Mercer, được thực hiện với hơn 3.300 vị trí đến từ hơn 483.000 người lao động trên khắp Việt Nam, cho thấy xu hướng tăng lương của thị trường Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trở lại do kinh tế phục hồi hậu Covid-19.

Năm 2022, ngân sách tăng lương của các doanh nghiệp đa quốc gia đã tăng nhẹ 0,2% so với năm ngoái. Tuy nhiên, ngân sách tăng lương của các doanh nghiệp Việt Nam lại giảm nhẹ 0,3%.

Tuy nhiên, trên đà kinh tế phục hồi hậu Covid-19, tỷ lệ các doanh nghiệp có nhu cầu bổ sung nhân sự cũng có dấu hiệu khả quan hơn. Trong số hơn 600 doanh nghiệp tham gia khảo sát, 45% cho biết sẽ tuyển thêm nhân viên, 18% chưa đưa ra quyết định, 35% không có kế hoạch tuyển thêm và chỉ có 2% doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm sản lượng.

Với sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, dự báo GDP Việt Nam năm 2023 tăng ở mức 7,2% và lạm phát ở mức 3,5%, báo cáo cho rằng xu hướng tăng lương trong năm 2023 ở cả khu vực doanh nghiệp nước ngoài và trong nước sẽ ở mức 7,1%.

3 ngành tăng lương cao nhất, thấp nhất

Báo cáo kết quả khảo sát trên cũng cho thấy, top 3 ngành có mức tăng lương cao nhất là công nghệ cao (tăng 8,88%), bảo hiểm (tăng 8,2%) và dược phẩm (tăng 7,6%). Điều này phản ánh nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19, khi người tiêu dùng và doanh nghiệp nghiêng về bảo vệ sức khỏe và ứng dụng công nghệ.

Hé lộ ngành có mức tăng lương, thưởng cao nhất năm 2022 - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính gồm ngân hàng và phi ngân hàng là nhóm ngành có tỷ lệ thưởng dự kiến cao nhất (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ở chiều ngược lại, 3 nhóm ngành có mức tăng lương thấp nhất là dầu khí (tăng 3,6%), sản xuất (tăng 6,1%) và bán lẻ (tăng 6,2%).

Cũng theo kết quả khảo sát, mặt bằng chung mức trả lương ở các công ty Việt Nam vẫn thấp hơn so với các công ty đa quốc gia là 31%. Tuy nhiên, theo báo cáo, nếu so với tổng thu nhập thì khoảng cách này thu hẹp còn 22% do các doanh nghiệp Việt Nam linh hoạt hơn trong việc bổ sung các chính sách cổ phần, cổ phiếu… nhằm giữ chân nhân tài.

Đáng chú ý, báo cáo cho thấy, lần đầu tiên sau nhiều năm, mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp đại học Việt Nam và đại học nước ngoài là ngang bằng nhau.

Về thưởng, theo báo cáo, tương tự năm 2020 và 2021, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính bao gồm ngân hàng và phi ngân hàng (như công ty cho vay tiêu dùng, quỹ đầu tư, chứng khoán, quản lý quỹ…) là nhóm ngành có tỷ lệ thưởng dự kiến cao nhất trong năm nay, dao động từ 43% đến 20,8% mức lương cơ bản. Đứng thứ 3 là các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp với tỷ lệ thưởng 20,3% lương cơ bản.

Như vậy, so với năm 2021, tỷ lệ thưởng của nhóm ngân hàng - phi ngân hàng đã tăng 1,7 lần so với năm 2021, nằm ở mức rất cao 43%, nhờ nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao hậu đại dịch.

Ngược lại, ngành bán lẻ, năng lượng tái tạo và vận tải hậu cần thuộc nhóm có tỷ lệ thưởng dự kiến thấp nhất trong năm nay với tỷ lệ lần lượt 10,9%, 14,2% và 15,4% lương cơ bản.

Thách thức trong việc giữ chân nhân tài

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng giám đốc Talentnet, cho biết, trong 2 năm qua, cùng với xu hướng đại nghỉ việc trên toàn thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Tỷ lệ nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2022 rơi vào mức 11,9% đối với công ty trong nước và 8% đối với khối công ty nước ngoài. Trong đó, top 3 ngành nghề có tỷ lệ nhân viên nghỉ việc nhiều nhất là bán lẻ với 15,6%, bất động sản 12,7% và sản xuất với 10,1%.

"Đây là những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, có mức trả lương thấp so với điểm giữa của thị trường, lại sở hữu lao động đông, đa dạng…", báo cáo lý giải.

Trong khi đó, nhóm dầu khí, năng lượng tái tạo và hóa chất là 3 nhóm ngành có tỷ lệ nghỉ việc thấp nhất do các ngành này ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có mức lương tốt hơn so với mặt bằng do yêu cầu tuyển dụng đặc thù, có chuyên môn cao.

Tuy nhiên sau đại dịch, nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều khởi sắc trên mọi lĩnh vực, tăng trưởng GDP gấp đôi năm ngoái và thu hút FDI đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, sau Malaysia. Đây là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng, song cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong việc giữ chân nhân tài.

Theo bà Hương, trong những năm tới, với việc các công ty nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh hơn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài. Do đó, các doanh nghiệp cần phải tái thiết kế để trở nên phù hợp, tức có chiến lược tuyển dụng và giữ chân nhân tài một cách có chủ đích, lâu dài và tổng thể dựa trên dữ liệu thị trường.

"Trong bối cảnh mới, người lao động không chỉ muốn lương cao hay công việc ổn định, họ còn mong mỏi một chính sách bình đẳng giữa tất cả nhân viên nhưng cũng được cá nhân hóa theo đúng nhu cầu của họ. Chính vì thế, doanh nghiệp càng hiểu rõ về thị trường lao động, cập nhật xu hướng nhân sự khu vực và tái thiết kế được những chính sách lương thưởng hiệu quả và bền vững sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp có được một chiến lược nhân tài thức thời hơn", bà Hương chia sẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước