"Sốt đất" là cụm từ được 3 tờ: Tuổi trẻ, Người Lao động và Giao thông cùng nhắc tới trong số ra sáng 23/4 và vế sau của cụm từ này đều là về hệ lụy.
Theo tìm hiểu của phóng viên tờ Người Lao động, "cò đất" luôn quảng cáo rằng: "Nếu khách đầu cơ thì cơ hội tăng giá trị lên đến 200% vào năm sau". Với món lời cao như vậy nên đất nông nghiệp cũng bị xâm phạm nhưng Chủ tịch xã Cửa Cạn chỉ biết phân trần rằng: "Các tổ chức, cá nhân từ nơi khác về xã mua bán đất để làm dự án rồi phân lô, bán nền nhưng xã không kiểm soát được. Chỉ biết được việc này khi người dân mang cát, đá đến các khu đất nông nghiệp để cất nhà".
Cùng lý do nằm trong quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế, việc mua bán đất ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa không chỉ sốt giá mà còn "ngoạm" luôn cả rừng. Theo phóng viên tờ Giao thông, chỉ cần thuê thuyền đi vòng các đảo là có thể thấy hầu như đảo nào cũng bị đốt rừng, phát dọn để thành đất bán. Phóng viên tờ này cho biết, một khoảnh đất rộng 2ha vừa được phát dọn trên đảo Hòn Trì đã được cắm cọc rao bán với giá hơn 60 tỷ đồng. Nhiều diện tích khác trên đảo cũng được rao bán cả trên mạng với giá hàng chục tỷ.
"Làm giàu từ đất" - câu nói này giờ đúng với dân đầu cơ hơn là người nông dân. Theo tờ Tuổi trẻ tìm hiểu hiện nhiều chủ doanh nghiệp tại TP.HCM còn chủ động thu hẹp sản xuất, bỏ mặc công ty để đi tìm đất vùng ven mua đi bán lại vì lời nhanh và khỏe hơn kinh doanh nhiều.
Và một nguyên nhân chung góp phần tạo ra các đợt sốt đất như hiện nay được cả 3 tờ báo chỉ ra đều nằm ở cùng một khâu đó là quản lý.
Với câu chuyện tại Phú Quốc, tờ Người Lao động đặt nghi vấn rằng: Đất đai đã trở thành một món hàng "lo lót" được và nếu đã lo cho cán bộ giúp mình có quyền sử dụng đất thì khi bán lại dĩ nhiên là phải kê lên cao để bù lại.
Còn lý giải cho chuyện phá rừng bán đất tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa thì đó là sự bất lực của chính quyền địa phương. Khi giải thích với phóng viên tờ Giao thông, chính quyền huyện cho rằng lực lượng mình mỏng, địa bàn xã đảo nên gặp khó trong khâu phát hiện, xử lý.
Ở một góc nhìn rộng hơn trên tờ Tuổi trẻ, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - giảng viên Đại học Fullbright - đánh giá rằng cơ bản là do các bước thực hiện quy hoạch đất đai tại nhiều nơi còn chưa minh bạch, không đầy đủ thông tin cho người dân và cũng không cho người dân phản biện. Vì vậy, không loại trừ tình trạng chính quyền chỉ nghe thấy tiếng nói của doanh nghiệp, kết quả là dễ dẫn tới chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm nhỏ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!