Hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ nhờ Nghị định 67

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 01/08/2017 17:05 GMT+7

VTV.vn - Việc thực hiện Nghị định 67 trong 3 năm qua đã góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tính đến nay, cả nước đã có hơn 760 tàu cá xa bờ được đóng mới đi vào hoạt động. Hơn 9.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng giải ngân để đóng tàu. Gần 13.000 con tàu đã được hỗ trợ bảo hiểm. Những con số này cho thấy, việc thực hiện Nghị định 67 trong 3 năm qua đã góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản, phát triển bền vững.

Sáng nay (1/8), Hội nghị Tổng kết Nghị định 67 đã được tổ chức tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện của 28 tỉnh thành ven biển trên cả nước.

Các báo cáo tại Hội nghị cho thấy, Nghị định 67 đã bước đầu thực hiện được mục tiêu hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ của nước ta. Trong số hơn 760 tàu cá được đóng mới đã đi vào hoạt động, có tới hơn 47% là tàu vỏ thép và vỏ vật liệu mới, khoảng 50% tàu có công suất từ 800CV trở lên.

Hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ nhờ Nghị định 67 - Ảnh 1.

Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện Nghị định, Bộ NN&PTNT cũng nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại:

Thứ nhất, 40 tàu cá vỏ thép đóng mới của ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam và Thanh Hóa bị hư hỏng, gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, các tàu này đã được khắc phục, sửa chữa. Dự kiến đến cuối tháng 8 này, các tàu sẽ ra khơi trở lại.

Một vấn đề lớn nữa, các cơ sở hạ tầng nghề cá như cảng cá và các khu neo đậu chưa theo kịp sự phát triển của đội tàu nên đã xuất hiện tình trạng xuống cấp và quá tải.

Thứ ba, các chính sách khác như hỗ trợ ngư dân vay vốn lưu động để tránh phụ thuộc vào chủ nậu vựa vẫn chưa thành công do lãi suất cao và cơ chế cho vay chưa phù hợp.

Ngoài ra, việc đào tạo cho ngư dân vận hành tàu hiện đại vẫn khó thực hiện do chưa quy định hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá vỏ thép và tàu vật liệu mới.

Từ những vướng mắc trên thực tế, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 67. Dự kiến Nghị định sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2018. Một điểm đáng chú ý, việc điều chỉnh số lượng tàu cá trên cả nước cho phù hợp với quy hoạch, vì chỉ trong vòng 3 năm qua, đã có gần 2.000 tàu cá được phê duyệt đóng mới hoặc nâng cấp. Như vậy, nếu không kịp thời điều chỉnh thì số lượng tàu sẽ vượt quy hoạch đến 2020.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước