Vòng đàm phán mới nhất Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU diễn ra tại Hà Nội vào tháng 3 vừa qua đã thống nhất được nhiều vấn đề quan trọng còn tồn tại giữa hai bên và dự kiến sẽ được hoàn tất vào cuối tháng 6 tới. Đây là một trong những thông tin được Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế EU đưa ra trong cuộc họp báo chiều nay (8/4) tại Hà Nội.
Tại buổi họp báo, Ủy ban Thương mại Quốc tế của EU cho biết, vòng đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU vừa qua tại Hà Nội đã đạt được kết quả rất tích cực trên tinh thần tin cậy giữa hai bên, những vấn đề tồn đọng chắc chắn sẽ được giải quyết trong cuộc đàm phán vào tháng 6 tới đây. Phía EU cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc cách thủ tục hành chính cũng như môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó tạo nhiều thuận lợi cho cả doanh nghiệp Việt Nam và EU.
Nghị sỹ Bernd Lange, Chủ tịch Uỷ ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu cho biết: "Việt Nam đã có rất nhiều cải cách có lợi cho doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời tạo ra một xã hội ổn định, môi trường đầu tư đang dần được cải thiện, yếu tố con người đang được đầu tư phát triển. Bên cạnh đó là những điều chỉnh tích cực trong hiến pháp và luật đầu tư. Những điều này đã tạo ra nền tảng vững chắc cho quá trình hội nhập và tham gia thị trường quốc tế. Điều này cũng cho thấy sự nỗ lực cao của Chính phủ Việt Nam trong hội nhập".
Uỷ ban Thương mại Quốc tế EU cũng cho rằng, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết, ngành giày dép, dệt may cũng sẽ có nhiều lợi thế xuất khẩu, đồng thời hàng nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng tăng lên đáng kể. Về phía EU, máy móc, xe ô tô cũng sẽ có cơ hội đột phá. Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, cho các công ty EU và cả sự phát triển của Việt Nam đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo mới.
Tuy nhiên, phía EU cũng mong muốn Việt Nam cần có sự công bằng hơn nữa trong việc đãi ngộ, ưu tiên giữa các khu vực kinh tế cũng như tạo sự minh bạch, công bằng hơn nữa trong môi trường đầu tư.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.