Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam chỉ chiếm 14% tổng dân số cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo so với toàn bộ số hộ nghèo cả nước lại chiếm đến khoảng 40%. Vì vậy, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào, chương trình ưu đãi về tín dụng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm triển khai.
Đã vào cuối mùa thu hoạch, chị Thu ở Bắc Hà, Lào Cai lại tập trung cho việc chăm bón để cây sớm phục hồi sau một mùa quả. Nhưng để có được 200 gốc mận như hiện nay, với chị là cả một hành trình 10 năm vươn lên từ hai bàn tay trắng.
Số tiền 5 triệu đồng được vay theo Quyết định 32 về vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số lúc ấy không hẳn là lớn. Nhưng với chị Thu, trong hoàn cảnh không một tấc đất để sản xuất, gạo phải ăn đong từng ngày còn chưa đủ thì đây thực sự là một nguồn lực rất kịp thời và ý nghĩa.
Đã 4 năm trở lại đây, vườn mận mang lại cho gia đình chị nguồn thu ổn định khoảng 60 - 70 triệu đồng trong một vụ quả. Đây cũng là câu chuyện của rất nhiều hộ dân khác tại các tỉnh miền núi đã đạt được, từ khởi đầu là vốn vay ưu đãi qua kênh tín dụng chính sách cho hộ dân tộc thiểu số nghèo.
Những hỗ trợ ban đầu từ nguồn lực nhỏ của vốn vay cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số chính là trao cơ hội kịp thời, đầy ý nghĩa để các hộ đồng bào nghèo vươn lên. Sự thiếu hụt quan trọng về tư liệu sản xuất, nguồn vốn đã được giải quyết nhờ tín dụng chính sách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!