Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL:

Hỗ trợ nông dân khai thác tối ưu trên mảnh đất của mình

Quang Hà - Thanh Phong-Thứ năm, ngày 07/11/2024 20:01 GMT+7

Quang cảnh Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL.

VTV.vn - Tính đến cuối tháng 9/2024, ngành lúa gạo, là thế mạnh của vùng ĐBSCL luôn có mức tăng trưởng tín dụng cao, hiện đạt khoảng 124 nghìn tỷ đồng.

Ngày 7/11/20224 tại Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của vùng ĐBSCL đạt khoảng 643 nghìn tỷ đồng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thông tin: Đến cuối tháng 9/2024, huy động trên địa bàn các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đạt khoảng 857 nghìn tỷ đồng, đáp ứng 72% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn, tăng 6,1% so với cuối năm 2023. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ĐBSCL đạt khoảng 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của vùng đạt khoảng 643 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với 2023, chiếm 54% tổng dư nợ trên địa bàn. Riêng đối với ngành lúa gạo - là thế mạnh của vùng ĐBSCL - luôn có mức tăng trưởng tín dụng cao, hiện đạt khoảng 124 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2023, chiếm khoảng 11% dư nợ tín dụng vùng ĐBSCL và chiếm 53% dư nợ tín dụng lúa, gạo toàn quốc.

Thời gian qua, NHNN đã khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân của 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và đơn vị liên quan xây dựng và có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg. Ngày 11/10/2024 NHNN đã có các văn bản gửi các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh tỉnh, TP vùng ĐBSCL hướng dẫn triển khai Chương trình; Đồng thời có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về phối hợp triển khai một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ của Bộ, địa phương để các tổ chức tín dụng có cơ sở thực hiện cho vay theo Chương trình. Chương trình cho vay theo 2 giai đoạn trong đó giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 tại các tổ chức tín dụng.

Hỗ trợ nông dân khai thác tối ưu trên mảnh đất của mình - Ảnh 1.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị.

Hiện nay, căn cứ vào nội dung khung Chương trình cho vay theo chỉ đạo của NHNN, Agribank đã ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ để triển khai thí điểm cho vay. Đồng thời, NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng khác đăng ký cho vay trong giai đoạn thí điểm và đề nghị các ngân hàng sẵn sàng văn bản hướng dẫn để triển khai ngay trong giai đoạn mở rộng thực hiện.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: "Đề án 1 triệu ha lúa là một trong những nội dung hết sức quan trọng và nếu triển khai đề án này một cách quyết liệt theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tôi tin rằng đến năm 2030 chúng ta sẽ có 1.000.000 ha lúa đảm bảo chất lượng cao, giảm phát thải và đạt được những mục tiêu rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung. Để hiện thực hóa cũng như cụ thể hóa đề án thì cần triển khai như thế nào để giúp cho các đối tượng tham gia vào chuỗi liên kết trong Đề án 1 triệu ha lúa được thụ hưởng chính sách ưu đãi về vay vốn tín dụng ưu đãi. Hiện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho các chi nhánh, đơn vị thực hiện cụ thể trực tiếp cho vay đến các tỉnh ở ĐBSCL.

Qua khảo sát, NHNN thấy rằng nếu như thực hiện tốt tất cả những chính sách đã được đặt ra trong quyết định 1490 thì những người tham gia vào chuỗi liên kết này sẽ được thụ hưởng ưu đãi của Nhà nước rất tích cực. Đây cũng là điều kiện có tính chất quyết định cho việc đảm bảo tính lâu dài, tính ổn định và bền vững của việc liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân từ khâu cung cấp vật tư ban đầu đến khâu trồng trọt đến khâu chế biến tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi tin rằng sẽ rất thành công. Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai cơ chế tín dụng ưu đãi và cũng mong muốn có cùng những chính sách khác được triển khai một cách đồng bộ thì sẽ tạo ra hiệu ứng tốt hơn. Theo đó, người thụ hưởng là các thành viên tham gia chuỗi liên kết cũng nhìn thấy những chính sách ưu đãi không chỉ về vấn đề vay vốn tín dụng, mà kể cả những lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, dự báo rủi ro thiên tai… để đảm bảo đề án đạt hiệu quả kinh tế, giảm được giá thành sản xuất, trồng lúa hiện nay, tăng thêm thu nhập cho người nông dân cũng như tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào cũng như doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho bà con".

Lúa gạo là sản phẩm chủ lực có sản lượng và giá trị xuất khẩu cao

Tại hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng - TGĐ Agribank cũng thông tin cho biết: Đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ cấp tín dụng của Agribank đạt 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 7,45% so với đầu năm, trong đó dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1,03 triệu tỷ đồng, tăng 6,65% so với đầu năm. 

Riêng tại vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, tổng dư nợ toàn vùng của Agribank đạt 262 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 22% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng, tăng 8,01% so với đầu năm. Dư nợ cá nhân đạt gần 226 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 86,3% tổng dư nợ, dư nợ pháp nhân đạt gần 36 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 13,7% tổng dư nợ. Dư nợ ngắn hạn đạt gần 163 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 62,2% tổng dư nợ, dư nợ trung, dài hạn đạt gần 99 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,8% tổng dư nợ. Trong đó, lúa gạo là sản phẩm chủ lực có sản lượng và giá trị xuất khẩu cao, dư nợ lúa gạo tại đây đạt gần 33 nghìn tỷ đồng, tăng 25,1% so với đầu năm, chiếm khoảng 47,5% dư nợ lúa gạo toàn hệ thống Agribank.

Tại tỉnh Đồng Tháp, tổng dư nợ cho vay đến 31/10/2024 đạt khoảng 27.100 tỷ đồng, chiếm khoảng trên 23,5% thị phần tín dụng của tỉnh, tăng 9,68% so với đầu năm, trong đó phần lớn là dư nợ khách hàng cá nhân 24.340 tỷ đồng, chiếm 89,56% tổng dư nợ, tăng 9,71% so với đầu năm. Dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank tại Đồng Tháp đạt gần 21 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng dư nợ Agribank trên địa bàn. Dư nợ ngành lúa gạo của Agribank tại Đồng Tháp đạt gần 5 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,13% tổng dư nợ của các chi nhánh Agribank trên địa bàn.

Hỗ trợ nông dân khai thác tối ưu trên mảnh đất của mình - Ảnh 2.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ông Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao ngành ngân hàng thời gian qua đã tham gia tích cực tất cả chương trình phát triển kinh tế xã hội tại Đồng Tháp. Riêng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, với 8 chính sách rất cụ thể đã hỗ trợ cho các lĩnh vực như lúa gạo, thủy sản, chuyển đổi cây trông, vật nuôi … đóng góp nhiều giá trị cho lĩnh vực kinh tế chủ chốt của tỉnh. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 1%. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng mong muốn các cơ chế chính sách của Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu Ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tăng cường liên kết, gia tăng giá trị sản xuất lúa gạo, đảm bảo người nông dân khai thác tối ưu trên mảnh đất của mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước