Trong 12 nhóm chính sách hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch của Nghị quyết 68 ban hành ngày 1/7, lao động tự do nằm trong nhóm cuối cùng, được giao về cho các tỉnh, thành tự thực hiện. Đây là những lao động không có giao kết hợp đồng, không bảo hiểm xã hội, không lương hưu.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định hỗ trợ những lao động tự do đủ điều kiện cư trú hợp pháp với số tiền 1,5 triệu đồng/người/lần.
Những ngày này, bà Tâm (tổ 7, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) duy trì việc bán dưa cà. Thu nhập cả tháng chưa đầy 1 triệu đồng. Gia đình bà thuê trọ ở Hà Nội. Con trai, con dâu bà đều khuyết tật. Trước dịch, hai con bà làm việc trong một xưởng may, giờ chỉ ở nhà phụ bà những công việc lặt vặt. Vợ chồng con trai bà đã làm xong hồ sơ nhận hỗ trợ đợt này, tuy nhiên chưa nhận được hỗ trợ.
Người lao động không có giấy tờ tạm trú, hoặc có tạm trú nhưng chưa có xác nhận của chính quyền nơi đăng ký thường trú chiếm số lượng lớn tại nhiều nơi ở Hà Nội.
Anh Đại (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) chạy xe ôm và chở hàng, giờ không còn thu nhập. Vợ anh bán hàng ở chợ cũng đã nghỉ. Phản ánh với phóng viên, anh cho biết nhiều người bạn cùng chạy xe ôm với anh, quê ở các địa phương, lên Hà Nội làm việc, những ngày này vẫn đang ở lại thành phố, nhưng đều khó tiếp cận nguồn hỗ trợ này.
Người lao động không có giấy tờ tạm trú, hoặc có tạm trú nhưng chưa có xác nhận của chính quyền nơi đăng ký thường trú chiếm số lượng rất lớn tại nhiều địa bàn ở Hà Nội.
Phường Phú Thượng, quận Tây Hồ có số lao động không ổn định, không có hợp đồng khoảng trên dưới 3.000 người, mới chỉ 134 người lao động đã hoàn thiện hồ sơ và nhận tiền hỗ trợ.
Các tổ dân phố vẫn đang tiếp tục rà soát các trường hợp, lên danh sách. Những cuộc họp thẩm định hồ sơ với nguyên tắc linh hoạt trong tiếp nhận.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, đã có với gần 1,48 triệu người lao động được chính sách hỗ trợ an sinh xã hội do dịch COVID-19. Tổng kinh phí đã phê duyệt hỗ trợ là hơn 98 tỷ đồng.
Hồ sơ lao động tự do chuẩn bị gồm có:
- Giấy đề nghị hỗ trợ theo mẫu;
- Bản photo sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường, thị trấn cấp;
- Người lao động có nơi thường trú và nơi tạm trú không trong cùng phạm vi một xã, phường, thị trấn, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi tạm trú.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!