Hội nghị năng lượng hàng đầu thế giới lo ngại trước diễn biến giá dầu

Như Anh-Thứ tư, ngày 09/03/2022 06:54 GMT+7

VTV.vn - Xung đột tại Ukraine và các tác động đến thị trường năng lượng là tâm điểm được các chuyên gia tham dự Hội nghị CERAWeek năm nay theo dõi.

Đúng vào thời điểm thị trường dầu đang rất nóng, một trong những hội nghị thường niên quan trọng, với quy mô lớn nhất thế giới về năng lượng đang diễn ra tại Houston, bang Texas, Mỹ - Hội nghị CERAWeek.

Những diễn biến giữa Nga và Ukraine đang là chủ đề thống trị bầu không khí tại CERAWeek năm nay. Hầu như tất cả đều chỉ nói tới cú sốc giá dầu đang xảy ra trên thị trường và quan ngại cho tương lai của năng lượng sạch khi dầu vẫn còn đóng một vai trò quan trọng.

"Chắc chắn tình hình chiến sự sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của năng lượng sạch. Câu hỏi cấp bách nhất bây giờ là liệu chúng ta còn có nguồn cung cấp dầu khí và năng lượng nào nữa để trông cậy vào, ngoài Nga?", ông Ronald Thiessen, Giám đốc điều hành Hãng khai khoáng Northern Dynasty, nói.

Hội nghị năng lượng hàng đầu thế giới lo ngại trước diễn biến giá dầu - Ảnh 1.

Hiện giá dầu đã tăng 60% so với đầu năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)

Mỹ và các đồng minh đang áp đặt những lệnh trừng phạt nặng nề lên kinh tế Nga. Mặc dù những lệnh trừng phạt đó đều không nhắm vào các công ty dầu khí Nga, nhưng các đối tác vẫn né các hợp đồng mua bán dầu khí từ các công ty Nga để đề phòng bị trừng phạt trong tương lai.

Điều này khiến cho nguồn cung dầu toàn cầu càng trở nên khan hiếm, nhất là khi nhu cầu sử dụng năng lượng và khí đốt đang tăng cao, thậm chí vượt qua mức trước đại dịch COVID-19.

Cùng lúc đó, các thành viên OPEC+ cũng đang không đáp ứng đủ các mục tiêu sản xuất do chính họ đặt ra. Còn tại Mỹ, số lượng giếng dầu đang hoạt động đã sụt giảm 24% do đại dịch.

Tại CERAWeek năm nay, các chuyên gia và lãnh đạo các tập đoàn năng lượng còn đối mặt với một câu hỏi, đó là đến bao giờ chúng ta mới thôi phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch?.

"Các nhà đầu tư tại thị trường châu Á và cả toàn cầu đều đang cực kỳ chú ý tới việc phát triển năng lượng sạch trong thời điểm tình hình địa chính trị thế giới có nhiều biến động. Trước mắt là tình hình di chuyển đi lại đã chịu tác động lớn. Chuyến bay của chính tôi đã bị hoãn tới 2 tiếng rưỡi khi Nga đóng cửa không phận. Điều này nghĩa là nhiều chuyến bay đã phải tiêu tốn thêm rất nhiều nhiên liệu, và xả thêm khí carbon ra môi trường", bà Mehnaz Ansari, Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ tại Đông Nam Á, cho biết.

Dù mới là tháng 3, nhưng giá dầu tới thời điểm này đã tăng 60% so với đầu năm. Cùng với đó, giá một số loại hàng hóa khác cũng tăng theo. Nhiều quốc gia đã bắt đầu phải điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng của mình, trong đó có Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới dự đoán sẽ chỉ tăng trưởng 5,5% cho năm nay.

Chuyên gia phân tích tại Bank of America cho rằng nếu Nga bị cấm vận xuất khẩu dầu, thì sẽ dẫn tới tình trạng thiếu hụt khoảng 5 triệu thùng và giá dầu không loại trừ khả năng leo lên mốc 200 USD/thùng.

Giá dầu thế giới chạm ngưỡng kỷ lục trong gần 14 năm Giá dầu thế giới chạm ngưỡng kỷ lục trong gần 14 năm

VTV.vn - Đêm 7/3 (theo giờ Việt Nam), sàn giao dịch hàng hóa Mỹ tại TP New York đã chứng kiến giá dầu thô chạm ngưỡng kỷ lục trong gần 14 năm qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước