Trong nhiều tháng qua, hoạt động lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, các địa phương, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp.
Cơ quan soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân và báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân.
Để cập nhật tình hình mới nhất về quá trình lấy ý kiến và xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhóm phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
PV: Xin Thứ trưởng cho biết kết quả lấy ý kiến nhân dân và công tác tổng hợp tiếp thu giải trình, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi)?
Ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường: Tại thời điểm hiện nay, trên 11 triệu ý kiến của nhân dân đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu và hoàn thiện báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân về góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bước đầu đã hoàn thiện cơ bản báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến của nhân dân và từ 2 báo cáo đó, cơ quan soạn thảo đã hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu giải trình ý kiến nhân dân; hoàn thiện hồ sơ của dự án Luật Đất đai để trình Chính phủ sau đó thường trực Chính phủ cho ý kiến, tiếp đó Chính phủ sẽ họp, từ đó cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến kết luận, chỉ đạo tại các cuộc họp quan trọng đó và hoàn thành các hồ sơ Dự thảo Luật Đất đai để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội theo đúng kế hoạch.
PV: Có thể thấy các ý kiến đóng góp rất phong phú, từ nhiều góc nhìn khác nhau, thậm chí có trường hợp mâu thuẫn. Làm thế nào để tiếp thu được tối đa các ý kiến và dựa trên các tiêu chí nào, thưa Thứ trưởng?
Ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường: Cơ quan soạn thảo phải gạn đục khơi trong, phải dựa trên các tiêu chí để làm sao đó các ý kiến nào tiếp thu là những ý kiến có chất lượng. Trước hết phải căn cứ vào Hiến pháp, thứ hai là căn cứ vào Nghị quyết 18, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, các kết luận chỉ thị, các văn bản chính sách của Đảng liên quan đến công tác quản lý nguồn lực đất đai.
Một điều rất quan trọng là chúng tôi phải đánh giá tác động của các ý kiến đó, phải đảm bảo các yếu tố nêu trên, phù hợp với thực tiễn trong quá trình triển khai giải phóng nguồn lực đất đai đáp ứng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường của đất nước.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng đã trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Việt Nam!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!