Sau khi Việt Nam tham gia Mạng lưới Đô thị thông minh ASEAN vào năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án "Phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030".
Năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" với xác định trọng tâm phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, qua đó có thể thấy quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong phát triển đô thị thông minh. Quyết tâm đó cũng đang được hiện thực hoá bằng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
Tại Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 ngày 22/10, những khó khăn, trăn trở đã được chia sẻ, đồng thời nhiều giải pháp cũng được đề ra nhằm từng bước kết nối Việt Nam với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Nghị quyết 52 đã đề ra, đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm là phía Bắc, phía Nam và miền Trung, đến năm 2030: Hình thành một số chuỗi ĐTTM tại 3 khu vực kinh tế trọng điểm và từng bước kết nối với mạng lưới ĐTTM trong khu vực và thế giới. Phát triển đô thị thông minh là một cuộc chơi lớn, trong đó cần có những người "cùng chơi", hướng đến sự nhân văn, bảo vệ môi trường và phát triển hệ sinh thái công nghệ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: "Việt Nam xác định, phát triển đô thị thông minh là một bước đi có tính đột phá, để đạt được điều này, phát triển đô thị thông minh phải gắn với hạ tầng thông minh, chính quyền điện tử, chuyển đổi số… Phát triển đô thị thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức, gắn với nhu cầu thực tế, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có quy trình; thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo, tư duy đổi mới của khối doanh nhân. Đô thị thông minh phải do chính người dân, doanh nghiệp tạo nên".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm các mô hình, công nghệ tiêu biểu cho đô thị thông minh. Ảnh: VGP.
Đứng từ phía doanh nghiệp, ngoài câu chuyện về nguồn lực tài chính, cơ chế chính sách là một chiếc bản lề, để bất kì doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia vào sân chơi lớn này.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, cho biết: "Chúng tôi cần có Bộ tiêu chuẩn đô thị thông minh cùng các cơ chế hỗ trợ đặc thù đi kèm, nhất là về cơ chế chính sách. Xây dựng đô thị thông minh là câu chuyện dài hạn, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, vậy nên những dự án như thế này cần được sự quan tâm đặc biệt, tạo ra một cơ chế triển khai nhanh gọn, tránh trường hợp chậm tiến độ so với kế hoạch làm giảm hiệu quả".
Đích đến cuối cùng của phát triển đô thị thông minh là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Từ kinh nghiệm của Singapore, đào tạo kỹ năng số cho cư dân là yêu cầu tất yếu, chứ không chỉ là phó thác vào công nghệ.
Ông Vivian Balakrishnan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore, cho biết: "Từ 10 năm trước, chúng tôi đã triển khai cáp quang đến từng nhà. Song song với đó, hệ thống nhận dạng và thanh toán điện tử cũng được đẩy mạnh để tạo tính tương tác cao giữa người dân với nhau và người dân với chính phủ. Các công cụ này phải được đơn giản hoá để người dân dễ tiếp cận".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!