Hướng dẫn viên du lịch “xoay” đủ nghề kiếm sống trong mùa dịch

Hữu Trí-Thứ hai, ngày 31/08/2020 18:41 GMT+7

VTV.vn - “Trước nuôi cả nhà nhưng giờ thì sắp hết nuôi nổi rồi!”, đó là chia sẻ của chị Hoàng Thị Chuyền, một hướng dẫn viên du lịch quốc tế, chuyên dẫn tour khách Trung Quốc.

Hướng dẫn viên du lịch "xoay" đủ nghề

Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, sau 3 năm dẫn các đoàn khách Trung Quốc, phải đến đầu năm nay, chị Hoàng Thị Chuyền – quê Tuyên Quang mới có trong tay chiếc thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Tuy nhiên, chị chưa hết vui mừng thì dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc. 8 tháng qua, chị đành xếp chiếc thẻ của mình vào một xó, dựa vào vốn tiếng Trung của mình đi dịch thuật online.

Hướng dẫn viên du lịch “xoay” đủ nghề kiếm sống trong mùa dịch - Ảnh 1.

8 tháng qua, chị Chuyền chủ yếu đi dịch thuật online và tìm nguồn hàng Trung Quốc cho các công ty Việt Nam.

"Dịch cho các công ty thương mại của Việt Nam có đối tác bên Trung Quốc, cần thì họ gửi qua email cho mình dịch, dịch báo giá, thư mời chào và những nội dung cuộc họp trực tuyến", chị Hoàng Thị Chuyền cho hay.

Ngoài ra, chị Chuyền còn nhận tìm nguồn hàng từ Trung Quốc cho một số công ty tại Việt Nam. Dù phải "cày" một lúc rất nhiều việc, chị chia sẻ, thu nhập vẫn không đủ.

"Kinh doanh vận chuyển hàng về rất lâu, vì còn phải kiểm dịch nữa. Xong sản xuất cũng bị ảnh hưởng, công nhân nghỉ việc nhiều, ngừng trệ, 3-4 tháng mới có hàng một lần. Không đảm bảo thu nhập đâu. Ít lắm!", chị Chuyền cho biết.

Trước đây, vì là trụ cột chính trong gia đình có 5 nhân khẩu, tháng nào chị cũng gửi về quê hơn chục triệu, còn giờ, chị chia sẻ: "Trước nuôi cả nhà nhưng giờ thì sắp hết nuôi nổi rồi!".

May mắn hơn chị Chuyền, anh Nguyễn Văn Khánh – hướng dẫn viên du lịch của công ty Ascend Travel cho biết, vì làm cố định trong công ty nên thời điểm này dù không có tour, anh vẫn được tạo điều kiện chuyển sang các công việc khác.

"Có thể lên văn phòng để hỗ trợ các nghiệp vụ cho anh chị em trên công ty. Trong những khoảng thời gian như thế này, hướng dẫn viên bọn mình dành thời gian để trau dồi lại kiến thức, sẵn sàng cho mùa du lịch tới, khi COVID không còn nữa", anh Nguyễn Văn Khánh cho biết.

Dù suy nghĩ tích cực, nhưng anh Khánh vẫn ngậm ngùi vì mức thu nhập thời điểm này đã giảm khá nhiều. "Khi dịch chưa bùng phát thì anh em HDV có thể chạy 3-4 đoàn một tháng. Tuy nhiên thời điểm này cũng phải chấp nhận thôi, cố gắng qua mùa dịch", anh Khánh cho biết.

Nguy cơ thiếu hụt nhân sự du lịch sau dịch

Theo ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam, hiện cả nước có hơn 27.000 hướng dẫn viên du lịch, trong đó, đa phần là làm việc tự do. Lượng người làm cố định cho các doanh nghiệp lữ hành rất ít.

Hướng dẫn viên du lịch “xoay” đủ nghề kiếm sống trong mùa dịch - Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam.

"Để sinh sống được thì các hướng dẫn viên đang làm rất nhiều nghề. Từ việc mở hàng ăn, đi ship hàng, cũng có người chuyển sang đi làm giáo viên tiếng anh, tiếng trung… Khi họ đã làm ổn định rồi, khi hết dịch rồi quay lại làm hướng dẫn viên thì có thể rất khó. Vì thế, sau khi hết dịch, các hướng dẫn viên, đặc biệt là hướng dẫn viên tiếng hiếm thì sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt." – ông Dũng cho biết.

Nguy cơ thiếu hụt nhân sự, đặc biệt là nhân sự kinh nghiệm sau dịch cũng được nhiều doanh nghiệp lữ hành tính đến.

"Biết đâu nếu các bạn hướng dẫn viên tìm được việc mà cảm thấy phù hợp hơn, thu nhập cao hơn thì chúng ta đành chấp nhận là ngành du lịch sẽ chấp nhận mất đi một lượng hướng dẫn viên nhất định.", bà Dương Mai Lan – Giám đốc Công ty Ascend Travel chia sẻ.

Hướng dẫn viên du lịch “xoay” đủ nghề kiếm sống trong mùa dịch - Ảnh 3.

Bà Dương Mai Lan, Giám đốc Công ty Ascend Travel.

Theo bà Lan, dù trong gia đoạn này rất khó khăn, nhưng công ty vẫn cố giữ lại các nhân sự chủ chốt. "Tại thời điểm này, chúng tôi vẫn tạo điều kiện cho các bạn hướng dẫn viên cơ hữu có thể làm một số công việc văn phòng. Chúng ta hãy tận dụng thời gian này để nâng cao trình độ, nghiệp vụ vì trước đây khi quá bận rộn, quay cuồng với các đoàn tour, không có thời gian", bà Lan chia sẻ.

Sở Du lịch TPHCM mới đây cho biết, 90-95% doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn đã tạm ngưng hoạt động. Con số này trên cả nước cũng không khá khẩm hơn. Dù rất cố gắng "nuôi" nhân sự, nhưng nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng ngậm ngùi vì không biết "cầm cự" được bao lâu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước