Dịch COVID-19 bùng phát trở lại, du lịch Việt Nam tiếp tục “đóng băng”

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 29/08/2020 07:38 GMT+7

VTV.vn - Tỷ lệ hủy tour lên tới 95% - 100%, đợt dịch COVID-19 bùng phát trở lại vừa qua như một cú đánh bồi khiến ngành du lịch lao đao, tiếp tục rơi vào khủng hoảng.

Tỷ lệ hủy tour lên tới 95% - 100%, đợt dịch COVID-19 bùng phát trở lại vừa qua như một cú đánh bồi khiến ngành du lịch lao đao, tiếp tục rơi vào khủng hoảng, ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng bắt đầu kiệt sức.

Sau thời gian ngắn khôi phục với nhiều hy vọng, ngành du lịch cả nước lại tiếp tục "đóng băng" khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, gần như xóa sạch nỗ lực hồi phục của ngành du lịch suốt 3 tháng trước đó.

Dịch xuất hiện ở Đà Nẵng rồi lan sang một số địa phương khác, kéo theo làn sóng hủy tour, hủy dịch vụ. Chưa kịp hồi phục, nhiều doanh nghiệp du lịch không chống đỡ nổi, tỷ lệ cho nghỉ việc trung bình từ 50% - 80%. Hàng ngàn hướng dẫn viên, trong đó có không ít nhân lực giỏi bị đẩy trở lại thị trường tìm việc khác, còn doanh nghiệp mất đi nguồn nhân lực chất lượng cao.

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại, du lịch Việt Nam tiếp tục “đóng băng” - Ảnh 1.

Ảnh hưởng của dịch bệnh, khách quốc tế đến Việt Nam giảm.

Một ngày như dài hơn với anh Võ Nguyên Huy (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), công việc hướng dẫn viên du lịch mà anh đã gắn bó lâu nay giờ không còn việc để làm. Nhàn rỗi trong bao nỗi lo, mất việc, nghĩa là mất sinh kế, cuộc sống gia đình 2 vợ chồng và 2 đứa con rơi vào cảnh chông chênh.

Anh Huy không thể nhớ đây là lần thứ mấy tìm kiếm thông tin tuyển dụng. Những tháng qua, anh buộc phải tìm đến những công việc ở những lĩnh vực vốn không liên quan gì đến nghề hướng dẫn viên. Những công việc mới, dù không đòi hỏi trình độ chuyên môn nhưng cũng chẳng dễ dàng gì.

Trong khi đó, công ty du lịch Sáng tạo Group, Khánh Hòa đã cố gắng giữ lại những hướng dân viên lặn biển ít ỏi, giúp du khách khám phá vẻ đẹp trong lòng đại dương, vừa trợ giúp, vừa bảo vệ du khách trong hành trình đi bộ dưới đáy biển là công việc không phải ai cũng làm được. Vậy nhưng, trong số 500 lao động, hiện công ty chỉ giữ được 1/5.

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại, du lịch Việt Nam tiếp tục “đóng băng” - Ảnh 2.

Khách du lịch chụp hình ở Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Bloomberg)

Vẫn biết khó khăn là khó khăn chung, các doanh nghiệp trước tiên phải tự cứu mình trước khi trông chờ vào những cứu trợ bên ngoài, nhưng phía sau mỗi doanh nghiệp là miếng cơm manh áo của các gia đình và với ngành du lịch, đó là hơn 4,5 triệu gia đình, một con số khổng lồ. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp khả thi cứu các doanh nghiệp du lịch lúc này mang ý nghĩa xã hội rất lớn.

Chính phủ đã xác định 3 ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, đó là: Nông nghiệp - Du lịch - Công nghệ thông tin (kinh tế số).

Thực tế, vai trò mũi nhọn của ngành du lịch đã được khẳng định không chỉ ở việc giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, mà còn đóng góp tới 9% GDP. Việt Nam liên tiếp nhiều năm lọt vào top 10 quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng khách quốc tế hàng đầu thế giới.

Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, du lịch cũng cần được quan tâm giải cứu tương xứng với vị thế mà chúng ta đã trao cho nó. Điều quan trọng là sự giải cứu ấy phải kịp thời thì mới có ý nghĩa.

Giữ lao động tay nghề cao trong ngành du lịch Giữ lao động tay nghề cao trong ngành du lịch

VTV.vn - Dịch Covid-19 đã dẫn đến làn sóng dịch chuyển lao động từ lĩnh vực du lịch sang các lĩnh vực. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước