Kế hoạch giải cứu Hy Lạp khỏi cuộc khủng hoảng nợ công đã sắp kết thúc, nước này sắp có thể nới lỏng chính sách chi tiêu. Nhưng các chủ nợ cho rằng, Hy Lạp chưa thực hiện đầy đủ các cam kết, khi vay tiền cách đây gần 5 năm.
Ngày 8/12, Bộ trưởng Tài chính các nước sử dụng đồng tiền chung euro đã họp tại Brussels, cùng đại diện các chủ nợ của Hy Lạp, mà không có kết quả gì.
Tháng 4/2010, Hy Lạp ngập chìm trong đống nợ công, đã buộc phải chấp nhận tự đặt dưới sự giám sát của Uỷ ban châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế, để được vay 550 tỷ euro. Các chủ nợ cho vay tiền, nhưng buộc Hy Lạp phải áp dụng các biện pháp kinh tế khắc khổ: tăng thuế giá trị gia tăng, tăng tuổi nghỉ hưu, cắt giảm lương công chức Nhà nước, hạn chế đầu tư công. Trên thực tế, Hy Lạp đã chấp nhận mất chủ quyền quốc gia về ngân sách trong gần 5 năm, chấp nhận các điều kiện ngặt nghèo của chủ nợ để khỏi phá sản.
Kế hoạch giải cứu Hy Lạp lẽ ra sẽ kết thúc vào ngày 31/12 tới đây. Hy Lạp nôn nóng lấy lại quyền tự quyết về ngân sách, để mau chóng nới lỏng các biện pháp kinh tế khắc khổ. Đêm Chủ nhật vừa rồi, Nghị viện Hy Lạp đã vội thông qua ngân sách năm sau mà không chờ ý kiến các chủ nợ. Tuy nhiên, Uỷ ban châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế cho rằng, nước này cần phải tiết kiệm thêm từ 2 đến 3 tỷ euro nữa trong năm nay theo đúng cam kết thì kế hoạch giải cứu mới kết thúc. Nếu không, Hy Lạp tiếp tục phải thắt lưng buộc bụng thêm vài tháng nữa, cho đến khi tiết kiệm đủ tiền.
Cuộc họp hôm 8/12 của Bộ trưởng Tài chính châu Âu tại đây đã không đưa ra được kết luận nào. Chừng nào Hy Lạp và các chủ nợ còn chưa nhất trí được với nhau, Uỷ ban châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế vẫn sẽ có quyền can thiệp sâu vào kế hoạch phân bổ ngân sách của nước này, theo hướng hạn chế chi tiêu, ít ra là trong một vài tháng nữa.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.