Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2024, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva nhấn mạnh: Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết lạm phát mà không gây ra suy thoái, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Dự báo cho năm 2025, lạm phát toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm, tiến gần hơn đến mục tiêu ổn định giá.
Trả lời câu hỏi liệu "thần đèn" lạm phát đã bị đánh bại hay chưa?", Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva khẳng định: "Đầu của thần đèn nằm trong chai, phần lớn cơ thể của thần đèn nằm trong chai, bị kẹt ở đó, nhưng đôi chân vẫn thò ra ngoài. Chúng ta cần phải đẩy nó xuống hết cỡ".
Như vậy, dù dự báo cho năm 2025, lạm phát toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm, tiến gần hơn đến mục tiêu ổn định giá. Tuy nhiên, đây vẫn là yếu tố đáng lo ngại đối với sự phát triển nền kinh tế toàn cầu.
Theo IMF, lạm phát toàn cầu dự kiến giảm từ 5,8% năm 2024 xuống còn 4,3% năm 2025 và theo OECD (9/2024), các nền kinh tế phát triển có thể đạt mức 2,0%, gần sát mục tiêu của ngân hàng trung ương.
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ghi nhận sự cải thiện, với lạm phát giảm từ 7,9% năm 2024 xuống 5,9% năm 2025. Giá dầu, một yếu tố quan trọng tác động đến lạm phát toàn cầu, được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sẽ tiếp tục giảm, với giá dầu WTI trung bình ở mức 69,12 USD/thùng vào năm 2025. Tuy nhiên, rủi ro từ căng thẳng địa chính trị và biến động trong các chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn là những yếu tố khó lường, có thể làm gián đoạn xu hướng giảm lạm phát trong tương lai gần.
Theo các nhà kinh tế, các yếu tố chính ảnh hưởng đến lạm phát năm 2024 bao gồm sự giảm giá hàng hóa và những biện pháp chính sách tiền tệ thắt chặt.
Theo WB, chỉ số giá hàng hóa toàn cầu giảm 4,68% so với cùng kỳ năm 2023, với giá năng lượng giảm 9,14%, giá thực phẩm giảm 6,07% và giá phân bón giảm mạnh nhất, lên đến 23,82%. Điều này đã làm giảm áp lực chi phí sản xuất tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, tác động này không đồng đều, vì giá năng lượng vẫn biến động ở mức cao trong một số tháng, gây áp lực lên chi phí sinh hoạt tại các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ.
Thêm vào đó, chính sách tiền tệ thắt chặt, như việc duy trì lãi suất cao tại các nền kinh tế lớn, đã giúp kiềm chế áp lực lạm phát, đồng thời, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở một số khu vực...
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Ông Gourinchas, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF cho biết, dù lạm phát giảm trên toàn cầu là một dấu mốc quan trọng, nhưng các rủi ro đang gia tăng và hiện đang chi phối triển vọng kinh tế.
Theo IMF, nền kinh tế toàn cầu có thể chịu động tiêu cực nếu sự suy giảm trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn hoặc kéo dài hơn. Điều đó có thể làm giảm tâm lý tiêu dùng ở Trung Quốc và kìm hãm hoạt động thương mại toàn cầu. Kinh tế Trung Quốc đã bị cản trở bởi sự suy thoái trên thị trường nhà ở - yếu tố đã làm chậm hoạt động chi tiêu cho xây dựng. Các chính quyền địa phương đang phải đối mặt với tình trạng ngân sách eo hẹp và hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học đang chật vật tìm việc làm. IMF đã hạ 0,2 điểm phần trăm trong dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay xuống 4,8% và giữ nguyên mức dự báo 4,5% cho năm 2025.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế còn lo ngại về thiệt hại mà hai cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas có thể gây ra cho nền kinh tế thế giới. Nếu những xung đột này leo thang hoặc mở rộng thành xung đột khu vực, chúng có thể thổi bùng lạm phát trở lại, khiến giá lương thực và năng lượng tăng vọt.
Đáng chú ý, nhiều nhà phân tích toàn cầu lo ngại rằng, kế hoạch tăng thuế nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thổi bùng lạm phát, trong khi cam kết cắt giảm thuế của ông có thể khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ gia tăng.
Bên cạnh đó, ông Trump đã đe dọa áp đặt mức thuế quan trên diện rộng lên tới 50%. Điều này rất có thể sẽ châm ngòi cho các động thái trả đũa và chiến tranh thương mại. Các nhà kinh tế cho rằng điều đó có thể thúc đẩy giá cả tăng và kìm hãm tăng trưởng, từ đó dẫn đến suy thoái.
Nhiều nền kinh tế lớn sẽ giảm tốc năm 2025
Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 và 2025
Theo các nhà phân tích, kinh tế Mỹ tuy có sự phát triển tốt nhưng có thể sẽ giảm tốc trong năm 2025. Lãi suất kỷ lục 5,5%/năm của đồng USD từ hồi tháng 7/2023 khiến nhiều người lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2024. Tuy nhiên, nền kinh tế hàng đầu thế giới đã cho thấy sự chắc chắn đáng kinh ngạc với mức tăng trưởng hàng năm GDP khá tốt.
Đến năm 2025, các hiệu ứng từ sự mở rộng các chuỗi cung ứng sẽ giảm, lãi suất nhiều khả năng vẫn cao và các rủi ro toàn cầu chưa chấm dứt là những yếu tố khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục giảm tốc. Dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ năm 2025 sẽ chỉ ở mức 2,2%.
Còn EU, chỉ số PMI công nghiệp chế tạo của khu vực vẫn rất thấp, cho thấy khuynh hướng tăng trưởng suy yếu trong thời gian tới, ít nhất là đến hết quý I/2025. Các báo cáo mới nhất của các tổ chức kinh tế toàn cầu đều dự báo nền kinh tế EU đạt mức tăng trưởng 1,2% trong năm 2025.
Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc cũng đáng lo ngại, nhất là về giảm phát. IMF dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của Trung Quốc giảm tiếp xuống 4,5%.
Đối với Nhật Bản, nền kinh tế nước này chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài vài thập kỷ cho đến nay.../.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!