Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tuy nhiên, châu lục này vẫn mất thêm vài năm nữa để có thể đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%.
Cụ thể, IMF phân tích nền kinh tế châu Âu khó có thể sụp đổ dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã liên tục tăng lãi suất trong hơn một năm qua, nhằm kiềm chế lạm phát cao.
Tiền lương tăng là yếu tố chính hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của châu Âu. Mặc dù vậy, IMF cũng lưu ý động thái tăng lương có thể dẫn tới nguy cơ gây ra áp lực lạm phát cao hơn, đặc biệt trong điều kiện năng suất không có sự cải thiện tương xứng với tiền lương mới.
Đánh giá về tăng trưởng kinh tế thuộc các khu vực khác của thế giới, IMF cho rằng không có nhiều thay đổi lớn trong ngắn hạn, các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn ẩn chứa nhiều rủi ro.
Tại Mỹ, kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng đã bật tăng trở lại, lên mức cao nhất kể từ năm 2021, do xu hướng giá khí đốt liên tục tăng. Dữ liệu từ Cục điều tra dân số Mỹ cho thấy lạm phát vẫn gây căng thẳng tài chính đáng kể cho nhiều người dân của nước này.
Các hộ gia đình ở Mỹ sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn trong quý III/2023. Chi tiêu mạnh mẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng hoạt động chi trả nợ vay tín dụng đang trở nên kém hiệu quả hơn trong các nhóm người trẻ thuộc thế hệ Millennials (chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990), những người vay tín dụng giáo dục (tài chính hỗ trợ chi trả học phí cho sinh viên), cũng như các khoản vay mua ô tô.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ hai thế giới, đã ghi nhận mức tăng trưởng tốt trong quý III/2023. Tuy nhiên, nỗ lực thu hút nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại của Trung Quốc vẫn gặp khó khăn và xuất khẩu chưa nhiều dấu hiệu cải thiện. Chính quyền Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay, báo hiệu thời kỳ khó khăn vẫn đang ở phía trước. Đà phục hồi của một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới sau thời kỳ đại dịch COVID-19 chưa đạt được tốc độ như kỳ vọng.
Xu hướng tích cực nhất trong hoạt động kinh tế toàn cầu hiện nay, theo IMF, là các nền kinh tế mới nổi. Điển hình là Brazil. Doanh số bán lẻ của nước này được dự báo sẽ tăng nhiều hơn, sau khi các nhà hoạch định chính sách quốc gia cam kết duy trì tốc độ cắt giảm lãi suất trong những tháng tới. Saudi Arabia, nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế và phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, thông qua việc đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất pin cho xe điện toàn cầu.
Đánh giá về các nền kinh tế khác, IMF cho biết Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA – tức ngân hàng trung ương) tiếp tục tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục mới. Điều này có khả năng gây ảnh hưởng nặng nề hơn cho tăng trưởng kinh tế của quốc gia châu Đại dương. Ngân hàng trung ương Ba Lan bất ngờ tạm dừng chu kỳ nới lỏng giữa bối cảnh áp lực lạm phát vẫn rất lớn, trong khi Mexico giữ lãi suất ở mức cao kỷ lục trong cuộc họp thứ năm liên tiếp...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!