Kết nối hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam với Đông Nam Á

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 30/09/2023 07:15 GMT+7

VTV.vn - Đến năm 2026, quy mô thị trường bán dẫn tại Việt Nam có thể đạt 1,65 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt hơn 6%.

Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Kết nối với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á sẽ giúp Việt Nam tham gia sâu và nhanh hơn vào chuỗi giá trị chip toàn cầu. Đây là những nhận định đáng chú ý được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam diễn ra ngày 29/9.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á, đến năm 2026, quy mô thị trường bán dẫn tại Việt Nam có thể đạt 1,65 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt hơn 6%.

Để cho ra con chip hoàn thiện, phải trải qua 3 công đoạn chính: Thiết kế, chế tạo, đóng gói. Hiện Việt Nam đang tham gia chủ yếu ở khâu cuối cùng, vốn chiếm 15 - 20% giá trị của một con chip thành phẩm. Dự kiến một nhà máy chuyên đóng gói và kiểm tra (OSAT) trị giá 1,6 tỷ USD của Tập đoàn bán dẫn toàn cầu Amkor sẽ khánh thành tại Bắc Ninh tháng 10 tới.

Ở khâu thiết kế, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tham gia chuỗi giá trị với các dòng chip tầm trung và thấp, tức những con chip trên 28 nm. Thực tế cho thấy quy mô thị trường dòng chip này đang chiếm tới 2/3 trong 600 tỷ USD giá trị của ngành bán dẫn toàn cầu.

Kết nối hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam với Đông Nam Á - Ảnh 1.

Về tiềm năng sản xuất chip bán dẫn ở Đông Nam Á, các chuyên gia chia sẻ Singapore, Malaysia và Thái Lan có nhiều ưu thế về nền tảng công nghệ và hạ tầng; Việt Nam có nhiều ưu thế về mặt nhân lực. Đông Nam Á đang chiếm khoảng 30 - 40% sản lượng đóng gói vi mạch toàn cầu. Do đó việc kết nối thành một hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á là rất cần thiết.

Bà Linda Tan - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á cho biết: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì đi cùng nhau. Vai trò của chúng tôi là kết nối các quốc gia ASEAN trở thành một trung tâm sản xuất bán dẫn thu hút và cạnh tranh với các quốc gia hay khu vực khác trên thế giới. Mỗi một quốc gia như Sinagpore, Malaysia hay Việt Nam đều có thế mạnh. Giờ là lúc kết nối các hệ sinh thái bán dẫn này với nhau".

Ông Kim Sung Hun - Tổng Giám đốc Công ty Amkor Technology Việt Nam đánh giá: "Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào và người lao động rất thông minh. Ngoài ra, sự hỗ trợ và các cam kết của chính phủ và của các chính quyền địa phương cũng rất mạnh mẽ. Đó là một trong những lý do để chúng tôi xây dựng các nhà máy ở Việt Nam".

Hợp tác cung cấp chip cho ngành ô tô là một trong những hướng đi mà hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á có thể tập trung thời gian tới. Bởi ô tô đang được xem là một trong những ngành công nghiệp tiêu thụ chip lớn nhất. Phần lớn là các con chip tầm trung từ 28 - 40nm.

Một chiếc xe hiện nay cần gấp 10 lần số lượng chip trước đó. Tổng giá trị những con chip này đạt trung bình khoảng 800 USD/xe và đang tiến tới mức 1.500 USD/xe.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước